Giá tăng, dễ bán, người nuôi thủy sản phấn khởi

Giá tăng, dễ bán, người nuôi thủy sản phấn khởi

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay, thị trường tiêu thụ các loại thủy sản trên địa bàn tỉnh sôi động trở lại, giá bán tăng, khiến nông dân nuôi thả thủy sản phấn khởi.

 

Nông dân xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) chăm sóc thủy sản

 

Hiện nay, huyện Ân Thi có 790ha mặt nước nuôi thả thủy sản, tập trung ở các xã: Hạ Lễ, Hồng Quang, thị trấn Ân Thi… Thời điểm này, các mặt hàng thủy sản trên địa bàn huyện tiêu thụ ổn định, giá cá thương phẩm tăng 30 – 35% so với năm 2021.


Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản xã Hạ Lễ (Ân Thi) có 16 thành viên với diện tích sản xuất trên 28ha. HTX sản xuất thủy sản theo mô hình khép kín, từ việc nhân giống đến tiêu thụ sản phẩm. Các giống cá thương phẩm được HTX lựa chọn nuôi thả là: chép lai, trắm cỏ, trắm đen, trôi… Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Giám đốc điều hành HTX cho biết: Thời gian qua, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhờ linh hoạt trong sản xuất, áp dụng sản xuất cá theo quy trình VietGAP nên HTX đã khẳng định được chất lượng sản phẩm trên thị trường. Sản lượng cá tiêu thụ tuy giảm khoảng 30% so với trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nhưng vẫn bảo đảm tiêu thụ, không bị đứt gãy chuỗi liên kết. Để phục vụ nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao khi các hoạt động tập trung đông người, dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại, HTX đã kích hoạt lại phương pháp nuôi ghép, thả bù để thường xuyên có cá thương phẩm cung cấp ra thị trường. Thời điểm này, giá cá thương phẩm tăng 30 – 35% so với năm 2021, HTX cung cấp ra thị trường trung bình hơn 1 tấn cá/ngày.


Tại khu nuôi thả thủy sản của HTX thủy sản sạch Hưng Hải (thành phố Hưng Yên) những ngày này nhộn nhịp thương lái tới thu mua cá. Ông Lê Ngọc Thắng, Phó Giám đốc HTX thủy sản sạch Hưng Hải chia sẻ: Từ dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 đến nay, các loại cá thương phẩm của HTX được nhiều khách mua buôn và mua lẻ tìm tới mua. Giá cá hiện nay tăng khoảng 35%, có loại cá tăng gần 50% so với năm 2021. Cụ thể, giá bán lẻ cá chép giòn là 120 nghìn đồng/kg, cá lăng 90 nghìn đồng/kg, cá ngạnh 150 nghìn đồng/kg… Giá cá tăng cao, tiêu thụ ổn định giúp HTX yên tâm sản xuất.


Những ngày này, khảo sát tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, giá các loại thủy sản đều tăng so với cùng kỳ năm trước, giá đặc biệt tăng cao từ sau dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5. Ngày 11.5, tại chợ Tiên Lữ, thị trấn Vương (Tiên Lữ), cá chép có giá trung bình 55 nghìn đồng/kg, cá trắm đen 80 nghìn đồng/kg, cá trôi 40 nghìn đồng/kg... Bà Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương kinh doanh thủy sản tại chợ Tiên Lữ cho biết: Hiện nay, giá cá thay đổi theo ngày, phụ thuộc vào nguồn hàng cung cấp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên nhiều ao nuôi thả thủy sản trên địa bàn tỉnh không tái thả hoặc thả với số lượng ít để duy trì sản xuất, áp dụng biện pháp nuôi thả quảng canh khiến thời gian thu hoạch kéo dài... Có những ngày, chúng tôi phải chạy xe sang tỉnh Hải Dương để thu mua cá nhằm bảo đảm nguồn thủy sản cung ứng ra thị trường.


Hiện nay, toàn tỉnh có trên 5,6 nghìn ha nuôi thả thủy sản, chủ yếu nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh; có 440 lồng nuôi cá trên sông Hồng và sông Luộc. 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã khai thác gần 14 nghìn tấn cá thương phẩm. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, thời gian gần đây, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng cao do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động tập trung đông người, dịch vụ ăn uống, tổ chức cưới hỏi đã được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều ao nuôi thủy sản không tìm được thị trường tiêu thụ nên đã chủ động giảm mật độ nuôi hoặc chỉ nuôi thả phục vụ nhu cầu của gia đình. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cũng khiến các chủ ao nuôi thả thủy sản e dè trong việc đầu tư sản xuất...


Đồng chí Vũ Văn Điệp, Trưởng phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Để lĩnh vực thủy sản khôi phục lại sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phòng phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp tập huấn nuôi thả thủy sản theo hướng VietGAP, áp dụng phương pháp nuôi thả thâm canh, bán thâm canh để nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thủy sản tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2020 – 2025, phấn đấu đưa nuôi thả thủy sản thành lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhật)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068