Đừng để xi măng chờ... đường

Đừng để xi măng chờ... đường

Để đồng hành và hỗ trợ các địa phương trong toàn tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ xi măng để các địa phương xây dựng đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, sản xuất.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương triển khai có hiệu quả chương trình, vẫn còn một số địa phương chậm trễ trong việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ xi măng của tỉnh, khiến nhiều tuyến đường đã lên kế hoạch mà chưa được thi công.

Theo Quyết định số 04/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc quy định cơ chế hỗ trợ xi măng để đầu tư các công trình đường thôn, xóm, đường ra đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh giai đoạn 2012 – 2015; theo đó đối tượng được áp dụng cơ chế hỗ trợ xi măng là các xã xây dựng nông thôn mới trong tỉnh, khi được phê duyệt, các xã được hỗ trợ 100% khối lượng xi măng tính theo m3 bê tông được làm mới hoặc cải tạo. 

Ngoài mức hỗ trợ của tỉnh, UBND các huyện, thành phố có kế hoạch riêng để hỗ trợ các xã; khuyến khích huy động đa dạng các nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, sự đóng góp tự nguyện của nhân dân… 

Cũng nhờ có cơ chế này, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có thêm hàng trăm tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng mới, hàng trăm tuyến đường được nâng cấp, cải tạo bảo đảm tiêu chí nông thôn mới, phục vụ đắc lực cho nhu cầu đi lại, lao động sản xuất của nhân dân. 

Trong tháng 6.2016, UBND tỉnh có quyết định ủy quyền cho chủ tịch UBND các huyện, thành phố phê duyệt danh mục đầu tư và phân bổ kinh phí hỗ trợ làm đường thôn, xóm và đường ra đồng theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh. 

Trong đó, tổng số tiền được hỗ trợ để mua xi măng là 70 tỷ đồng cho 145 xã, tương ứng mỗi xã được hỗ trợ khoảng 482 triệu đồng. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã trên địa bàn huyện Văn Giang đã vận dụng linh hoạt các giải pháp để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là hoàn thành tiêu chí giao thông. 

Từ năm 2013 đến nay, huyện chỉ đạo các xã trong triển khai thực hiện thi công các tuyến đường trong danh mục đã được phê duyệt, hoàn thiện đến đâu, các xã hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán công trình đến đó theo đúng quy định. 

Trong những tháng đầu năm 2017, các xã trên địa bàn huyện Văn Giang đã xây dựng được gần 5 km đường giao thông nông thôn, tập trung ở các xã: Thắng Lợi, Tân Tiến, Xuân Quan, Liên Nghĩa. Đến nay, 10/10 xã của huyện Văn Giang đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới về giao thông. 

 

Ông Chu Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết: “Huyện đã tranh thủ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh để hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các xã xây dựng nông thôn mới trong toàn huyện, đồng thời đồng hành với các xã thông qua hỗ trợ kinh phí mua cát, đá. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội hóa, phát huy nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng đường giao thông, phát huy tốt quy chế dân chủ trong đầu tư xây dựng. Ngoài ra, huyện cũng tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, nguồn vốn của các chương trình, dự án, từng bước hoàn thiện quy hoạch giao thông trên địa bàn huyện”.

 

Tuy nhiên, vẫn còn địa phương chậm giải ngân nguồn vốn hỗ trợ xi măng của tỉnh. Theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, đến tháng 8.2017, toàn tỉnh vẫn còn 5,6 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ xi măng chưa được giải ngân.

Chẳng hạn như huyện Yên Mỹ, theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, năm 2016, tổng số km đường giao thông trên địa bàn huyện được phê duyệt hỗ trợ là 30,2 km. Đến nay số km toàn huyện thực hiện được khoảng 20 km, còn hơn 9 km chưa được thực hiện, tương đương với số kinh phí chưa được giải ngân là hơn 2,5 tỷ đồng. 

Theo tự đánh giá của các xã trên địa bàn huyện, huyện Yên Mỹ đã có 13/16 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí nông thôn mới về giao thông. Song vẫn còn nhiều tuyến đường thôn, xóm, đường ra đồng cần được đầu tư, nâng cấp, đặc biệt là ở các xã phấn đấu về đích năm 2017. 

Theo nhận định của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Yên Mỹ, nguyên nhân chưa giải ngân hết nguồn vốn hỗ trợ xi măng của tỉnh để làm đường giao thông nông thôn là do việc triển khai giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng đường ở một số xã còn chậm; công tác tuyên truyền, vận động chưa thực sự hiệu quả nên chưa nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân; mặt khác nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế nên việc hỗ trợ kinh phí mua cát, đá chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng, cải tạo các tuyến đường.

Ông Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 131/145 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông, nhưng trên thực tế ngay cả các xã đã “về đích” nông thôn mới vẫn có nhu cầu nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn hàng năm. Nguồn lực hỗ trợ xi măng của tỉnh là nhân tố chính làm nên các tuyến đường giao thông nông thôn, song các tuyến đường sẽ không thể hoàn thành nếu thiếu sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của nhân dân thông qua các hình thức tự nguyện như: Góp ngày công lao động, hiến đất, ủng hộ tiền…

Năm 2017, tỉnh tiếp tục có cơ chế hỗ trợ kinh phí để cùng các địa phương làm đường giao thông nông thôn. Việc giải ngân nguồn vốn còn tồn đọng của năm 2016, thực hiện phần việc của năm 2017 đòi hỏi các huyện, thành phố trong tỉnh tập trung cao, có biện pháp phối hợp cùng hỗ trợ kịp thời, tạo động lực cho các xã và nhân dân”.

 

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068