Độc đáo mô hình nuôi cua biển ở xã Tam Đa

Độc đáo mô hình nuôi cua biển ở xã Tam Đa

Mô hình nuôi cua biển trong hộp đã phổ biến trên thế giới nhưng còn khá mới ở Việt Nam. Cách đây gần 9 tháng, gia đình chị Đặng Thị Thanh Huyền ở xã Tam Đa (Phù Cừ) đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị cùng con giống để thực hiện mô hình nuôi cua biển. Qua thử nghiệm, mô hình không những đem lại năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao mà còn tiết kiệm diện tích và sức lao động.

Mô hình nuôi cua biển của gia đình chị Đặng Thị Thanh Huyền

Mô hình nuôi cua biển của gia đình chị Đặng Thị Thanh Huyền

Sau hơn 1 năm tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm ở một số cơ sở nuôi cua biển tại các tỉnh, thành phố trong nước và được các chuyên gia hỗ trợ kiến thức về nuôi cua biển, cuối năm 2022, gia đình chị Huyền đã đầu tư hệ thống nuôi cua biển trong nhà sử dụng công nghệ lọc tuần hoàn RAS 50 mét khối nước biển và hệ thống giàn nuôi 2.200 con cua, với diện tích nuôi khoảng 350 mét vuông, tổng chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng.

Mỗi con cua được nuôi riêng trong một hộp nhỏ để tránh chúng ăn thịt lẫn nhau và tránh nhiễm bệnh chéo. Hộp nuôi cua biển được xếp thành nhiều gian tầng khác nhau, đánh số thứ tự và ghi chép hằng ngày về hiệu quả chăm sóc ở vỏ hộp. Mỗi ngày chị Huyền thực hiện dọn chuồng 2 lần và cho ăn 2 lần. Đồng thời test nước, kiểm tra độ độ PH, NH3, NO2 và kiểm tra nhiệt độ, nhiệt độ môi trường sẽ được điều chỉnh với mức lý tưởng là 28 độ C. Chị Huyền cho biết: Mô hình nuôi cua biển trong nhà đem lại lợi nhuận cao, tiết kiệm diện tích và nhân công chăm sóc, đặc biệt thị trường tiêu thụ rất rộng mở. Nuôi cua biển trong hộp không khó nếu nắm được quy trình, kỹ thuật. Chất lượng thịt cua biển không phụ thuộc vào không gian vận động của cua, mà dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng khẩu phần ăn phù hợp và thay đổi hằng ngày để bảo đảm cua biển hấp thụ tốt.

Thức ăn của cua biển được sử dụng thức ăn tươi sống như tôm, ngao, cá, ốc. Lượng thức ăn thừa và chất cặn bẩn của cua biển thải ra sẽ đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn. Nhờ đó không những tiết kiệm nước mà còn lọc chất bẩn, diệt nguồn bệnh, bảo vệ môi trường sống của cua.

Cua biển giống nhập về nặng từ 100g-200g/con và có thể thu hoạch sau 30-45 ngày nuôi. Hiện nay, cơ sở nuôi cua biển của gia đình chị Huyền đang nuôi cua thương phẩm, cua gạch và cua lột. Mỗi tháng, cơ sở nuôi cua biển của gia đình chị Huyền cung cấp ra thị trường 200-250kg cua thương phẩm, tháng cao điểm xuất bán 300kg, với giá bán từ 480 đến 550 nghìn đồng/kg. Trước khi xuất bán, cua biển sẽ được soi dưới đèn chuyên dụng để lựa ra những con cua chất lượng nhất đến với khách hàng.

Mô hình nuôi cua biển trong nhà của gia đình chị Đặng Thị Thanh Huyền ở xã Tam Đa là mô hình mới và độc đáo. Sự thành công của mô hình sẽ mở ra hướng đi mới giúp người dân trong huyện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068