Tỉ giá “hại” nông sản

Tỉ giá “hại” nông sản

Chưa bao giờ xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản... lại khó khăn như hiện nay
Số liệu mới nhất được Tổng cục Hải quan công bố, trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 158,6 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 77,7 tỉ USD, tăng 9,3%. Tuy nhiên, các mặt hàng nông thủy sản chủ lực như gạo, cà phê, tôm, cá... lại giảm mạnh cả về giá trị lẫn sản lượng.

Giảm ở hầu hết các thị trường

Chỉ riêng mặt hàng cà phê giảm đến 36% về lượng và 35,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt hơn 684.000 tấn, trị giá 1,4 tỉ USD. Các thị trường xuất khẩu chủ lực đều giảm mạnh, đặc biệt thị trường châu Âu (EU) vốn chiếm trên 50% tổng lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam nhưng 6 tháng đầu năm giảm đến 23,24% so với cùng kỳ.

Dù lượng gạo xuất khẩu trong tháng 6 tăng 4,5% so với tháng trước nhưng kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm chỉ hơn 3 triệu tấn, giảm 7,8% so với cùng kỳ. Đơn giá xuất khẩu mặt hàng này cũng giảm 4,6% nên kim ngạch chỉ đạt 1,29 tỉ USD. Các thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng gạo đều giảm mạnh, trong đó thị trường Trung Quốc giảm 9,1% và Philippines giảm tới 39,5%.

Với mặt hàng thủy sản, các thị trường chủ lực như Mỹ, EU và Nhật Bản đều giảm mạnh kéo kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm chỉ còn hơn 3 tỉ USD, giảm 15,2% (tương ứng 537 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trong các mặt hàng thủy hải sản, tôm giảm mạnh nhất do mất giá 30% từ đầu năm đến nay. Ngoài yếu tố giá tôm Việt Nam năm ngoái lên cao, nay quay đầu điều chỉnh giảm, còn do sức mua ở các thị trường trọng điểm suy yếu. Trong khi đó, tôm của các nước như Ấn Độ, Indonesia... đang vào thu hoạch rộ, được mùa, bán giá rẻ càng khiến thị trường dò đáy. Thêm nữa, đồng euro mất giá mạnh so với USD trong khi đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tính bằng đồng USD. Kết quả, thủy hải sản Việt Nam đến tay người tiêu dùng ở châu Âu giá cao hơn nhiều, không cạnh tranh nổi với hàng các nước. “Chất lượng thủy sản của Việt Nam không có vấn đề, chủ yếu do tỉ giá và sức mua từ thị trường mà cả 2 yếu tố này doanh nghiệp (DN) đều không kiểm soát được” - ông Hòe bộc bạch.

Cân nhắc lại chính sách tỉ giá

Theo các chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản chủ lực giảm mạnh là điều bất thường và đáng lo ngại. Nhiều năm qua, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ở lĩnh vực này chủ yếu nhờ gia tăng sản lượng nhưng nay đã đến ngưỡng. TS Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng đối với các mặt hàng cà phê, hồ tiêu, cao su cần xây dựng hướng đến ngành xuất khẩu tập trung quy mô lớn, hiện đại và có tính cạnh tranh quốc tế cao. Muốn vậy, phải phát triển ngành hàng theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với quản trị hiện đại. Nên xây dựng thương hiệu quốc gia cho cà phê, hồ tiêu và đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất chất lượng theo VietGAP, GlobalGAP... “Việc sử dụng thương hiệu quốc gia sẽ tăng giá trị sản phẩm và là công cụ để quản lý chuỗi liên kết trong ngành hàng” - ông Quang lý giải.

Một yếu tố góp phần làm giảm giá và lượng xuất khẩu các mặt hàng này được đề cập nhiều là tỉ giá. Nửa đầu năm, đồng USD tăng giá mạnh đã tác động đến nhu cầu ở những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển phân tích nông dân và DN đang chịu tác động kép không chỉ vì giá xuất khẩu giảm mà còn do đồng USD tăng giá. “Chẳng hạn trước đây, mặt hàng gạo có giá 100 USD/tấn, nay nhu cầu thị trường giảm khiến giá chỉ còn 90 USD/tấn. Do VNĐ bị định giá cao hơn giá trị thực nên khi quy đổi ra tiền đồng nông dân chẳng còn bao nhiêu” - ông Hiển nhận định.

Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng nhiều lần khuyến cáo việc VNĐ tăng giá âm thầm làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Ảnh hưởng tăng giá thực của VNĐ lên hàng xuất khẩu đang thúc giục sự cân nhắc lại chính sách tỉ giá. Bởi điều chỉnh với biên độ hẹp như vừa qua là quá thận trọng, làm suy yếu DN trong nước.

 

Nguồn tin: Người lao đồng

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068