Văn Giang – Tạo đà phát triển toàn diện, bền vững

Văn Giang – Tạo đà phát triển toàn diện, bền vững

Ngày 1.9.1999, huyện Văn Giang được tái lập phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành cùng nhân dân trong huyện đoàn kết, thống nhất, tập trung khắc phục những khó khăn của ngày đầu tái lập; phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện ven đô, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng để tạo đà phát triển, theo kịp xu thế chung của đất nước.

 

Diện mạo nông thôn Văn Giang

Diện mạo nông thôn Văn Giang

 

Ngày đầu tái lập, tốc độ phát triển kinh tế bình quân của huyện đạt 8%/năm, thu ngân sách đạt 3,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3 triệu đồng, giá trị thu trên 1 ha đất canh tác đạt 32,4 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 26 tỷ đồng… Sau 20 năm tái lập, tốc độ phát triển kinh tế bình quân của huyện đạt 16,3%/năm, tăng hơn 2 lần; thu ngân sách đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng, tăng gấp 17 lần; giá trị thu trên 1 ha đất canh tác đạt trên 230 triệu đồng/năm, gấp hơn 6,4 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,77%...

Quá trình phát triển cho thấy, Văn Giang từ một huyện thuần nông của ngày mới tái lập, đến nay đã trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển đồng đều, toàn diện. Nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên canh, hàng hóa với gần 2 nghìn ha chuyển đổi từ đất lúa sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Hoa, cây cảnh, cây ăn quả. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững gắn với an toàn dịch bệnh. Lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ tăng trưởng cao, thu hút nhiều dự án đầu tư và được đánh giá là địa phương có lợi thế, tiềm năng để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ. Năm 1999, huyện có 3 dự án và gần 700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đến nay, toàn huyện có 126 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và gần 1,8 nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho hàng vạn lao động. 2 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã được lấp đầy. Toàn huyện có trên 4 nghìn hộ kinh doanh cá thể, 15 tổ chức tín dụng hoạt động tài chính, ngân hàng; hạ tầng thương mại được đầu tư xây dựng. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt trên 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 87 lần. Tỷ trọng lĩnh vực thương mại – dịch vụ tăng từ 24,1% lên 51% trong cơ cấu kinh tế và đạt trên 8,3 nghìn tỷ đồng.

Để đạt được các thành tựu trên, huyện Văn Giang đã linh hoạt nắm bắt thời cơ, tận dụng cơ hội, triển khai hướng đi đúng đắn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho người dân áp dụng vào sản xuất. Cùng với đó, huyện xây dựng và triển khai các chủ trương, nghị quyết phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khôi phục một số ngành nghề truyền thống, tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài huyện. Các địa phương trên địa bàn thực hiện nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, tiếp nhận dự án. Do vậy, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Để tạo điều kiện thuận lợi phát triển toàn diện các lĩnh vực trên địa bàn huyện, trải qua 20 năm tái lập, huyện đã đầu tư trên 1,7 nghìn tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật; trong đó, cải tạo, nâng cấp trên 293km đường giao thông, xây dựng, cải tạo 12 cầu, cống... Cùng với đó, tập tủng chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án: Khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang; Đường giao thông liên tỉnh Hà Nội-Hưng Yên; đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Khu đô thị phía đông Văn Giang; Khu đô thị sinh thái Xuân Cầu; Khu đô thị sinh thái Dream City; Khu đô thị Đại An... phấn đấu đến năm 2020, Văn Giang trở thành đô thị loại IV và trở thành đô thị loại II trước năm 2037.

 

Nghề trồng hoa, cây cảnh ở xã Xuân Quan (Văn Giang)

Nghề trồng hoa, cây cảnh ở xã Xuân Quan (Văn Giang)

 

Bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, chăm lo gia đình chính sách, vấn đề an sinh xã hội được cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể quan tâm. Đến nay, toàn huyện có 32 trường đạt chuẩn quốc gia, số giáo viên các cấp đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 100%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được nâng cấp và mua sắm bảo đảm nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa được duy trì và phát triển. Toàn huyện có 82/86 làng, khu phố đạt và giữ vững danh hiệu làng, khu phố văn hóa, trên 25 nghìn gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa…

Với những kết quả trên, đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; các tiêu chí nông thôn mới ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân được cải thiện. Mới đây, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh được các cấp chính quyền, tổ chức đảng từ huyện đến cơ sở thực hiện đồng bộ. Trải qua 20 năm tái lập huyện, Đảng bộ huyện Văn Giang có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 5 năm trở lại đây, hàng năm, trung bình có trên 50% số chi bộ, đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 45% số chi bộ, đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ và 4,7% số chi bộ, đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ. 

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Văn Giang phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 16,5%/năm. Cơ cấu kinh tế là: Nông nghiệp dưới 10% - công nghiệp, xây dựng trên 40% - thương mại, dịch vụ  trên 50%; giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt trên 255 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng; thu ngân sách đạt trên 1,2 nghìn tỷ đồng; có 100%  trường đạt chuẩn quốc gia; 11/11 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%. Huyện đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2037 với tính chất đô thị trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của tỉnh, tạo liên kết đồng bộ và là động lực góp phần quan trọng cùng các địa phương khác trong cả nước xây dựng đô thị vùng thủ đô...

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068