Làng nghề 500 năm tuổi

Làng nghề 500 năm tuổi

500 năm hình thành và phát triển, làng nghề làm hương bài truyền thống xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) được người dân nơi đây gìn giữ, duy trì như “báu vật” của làng. Làng nghề 500 năm tuổi

Nghề làm hương bài truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho người dân Vạn Thắng Nghề làm hương bài được hình thành từ năm 1515, trên đất làng Giãn Hiền, xã Vạn Thắng. Qua thời gian, làng nghề ngày càng bị mai một, đến năm 1815 được cụ Vũ Đình Phạm truyền cho các con là ông Vũ Đình Nguyên và Vũ Đình Ca.
            Từ đó nghề làm hương bài được làng Quyết Thắng gìn giữ, phát triển như “báu vật”. Ông Đồng Minh Quân, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng, nói: “Mấy trăm năm nay ai cũng biết đây là nghề truyền thống của làng Quyết Thắng nhưng thực tế nó mới chỉ là truyền khẩu chứ chưa được “danh chính ngôn thuận” công nhận là làng nghề.
             Vì thế, vừa qua chúng tôi đã làm hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xét công nhận làng nghề, nghề truyền thống làm hương bài cho làng Quyết Thắng. Hiện Ban Chỉ đạo về phát triển làng nghề của tỉnh đã về thẩm định”.
            Theo ông Quân, nghề làm hương chỉ có một số hộ làm quanh năm nhưng thu hút được lượng lớn lao động lúc nông nhàn từ người già đến trẻ em.
            Khi mới hình thành được ông cha truyền dạy cho con cháu, bà con học tập lẫn nhau mà phát triển đông dần lên. Kỹ thuật làm chủ yếu bằng phương pháp thủ công với các nguyên liệu chính như: tăm tre, nứa; nhựa cây trám; củ, rễ cây bài; than xoan; hoa bông trắng…
             Trong quá trình làm nhiều hộ gia đình tích lũy kinh nghiệm, bí quyết để cho ra những sản phẩm hương vừa thơm vừa không có hóa chất, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
            Ông Nguyễn Văn Dân (45 tuổi), một trong những người làm hương bài chuyên nghiệp chia sẻ, quy trình cho ra một que hương cực kỳ tỷ mỉ, nhất là khi SX thủ công.
            Theo đó, nguyên liệu được gia đình ông lấy từ tỉnh Bắc Giang; huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Sau khi nhựa cây trám được nấu, lọc lấy tinh thì đổ vào than, sử dụng máy trộn trộn đều rồi se vào que tăm và cuối cùng là phơi khô.
            Thay vì lăn nguyên liệu vào tăm tre bằng tay, bây giờ chúng tôi đã đưa máy lăn vào SX nên chất lượng sản phẩm đồng đều, đẹp hơn.
             Tuy nhiên, các công đoạn khác vẫn phải làm thủ công nên khi nào cũng phải ngồi một chỗ như trông con nhỏ, chẳng đi đâu được”, ông Dân nói.
            Xã Vạn Thắng có 3 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gồm: Đan rổ rá, đan chậu bằng mây tre đan xuất khẩu; nghề mộc và làm hương bài, giải quyết việc làm ổn định cho gần 300/1.988 hộ dân.
            Ông Dân bảo, ông rất “mê” nghề làm hương nên mới duy trì, phát triển thành nghề chính của hai vợ chồng. Hơn 20 năm qua nghề này đã giúp ông nuôi hai đứa con ăn học nên người, xây dựng được nhà cửa, mua sắm đồ đạc trong gia đình. “Ban đầu đi học lỏm các bậc tiền bối trong làng với mong muốn bán hương kiếm ít tiền tiêu Tết. Sau thấy nghề này cho thu nhập khá cao nên tôi bám trụ luôn”, ông Dân nhấn mạnh.
            Theo tính toán của ông Dân, mỗi ngày cơ sở của ông SX được 1,5 - 2 vạn que hương/4 lao động. Hầu hết hàng hóa xuất bán vào những tháng gần Tết Nguyên đán (từ tháng 10 -12 âm lịch), bình quân mỗi tuần xuất 1 xe, tương đương 1 nghìn bó (100 que/bó).
            Giá bán hương tùy thuộc vào chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, nhưng cao nhất 30.000đ/bó, và thấp nhất 15.000đ/bó.
            “Tính ra 1 vạn que chúng tôi bán với giá 3 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 800 - 900 nghìn đồng. Quanh năm làm hương thu nhập của gia đình tôi cũng được hơn 200 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với làm ruộng và các ngành nghề khác”, ông Dân tiết lộ.
             Ngoài hộ ông Dân, làng Quyết Thắng còn có nhiều hộ duy trì nghề làm hương bài từ đời ông cha đến con cái như hộ ông Nguyễn Đức Căn, anh Vũ Đình Long, Ngô Thọ Biên, Lê Văn Viên…
            Chia sẻ về khó khăn hiện nay trong việc duy trì, phát triển nghề làm hương bài, ông Đồng Minh Quân cho biết bây giờ không còn tình trạng người dân đạp xe đến các chợ đầu mối để bán hương như trước, nhưng đầu ra của sản phẩm này vẫn đang phụ thuộc thị trường tự do.
            Mong rằng tỉnh sớm có quyết định công nhận làng nghề truyền thống để địa phương có cơ sở tìm kiếm thị trường ổn định cho người SX, góp phần bảo vệ nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang. Được biết, thôn Quyết Thắng có 70/200 hộ SX hương bài, bình quân mỗi tháng đem lại thu nhập hơn 2,5 triệu đồng/người, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng NTM...

 

Tác giả bài viết: Thanh Nga

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068