Thanh niên nông thôn trở lại với đồng đất quê hương (Bài 2): Thành công từ “yêu đất

Thanh niên nông thôn trở lại với đồng đất quê hương (Bài 2): Thành công từ “yêu đất

Tuổi trẻ với niềm đam mê và khao khát làm nông nghiệp công nghệ cao đã và đang là xu hướng đón đầu của nhiều bạn trẻ tại Hải Phòng.

Trong số những “nông dân tri thức” từng tiếp xúc thì anh Phạm Văn Quyên khiến chúng tôi cảm phục bởi ý chí vượt khó trong phát triển nông nghiệp. Anh đã nỗ lực thu gom ruộng bỏ hoang, cung cấp ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, nâng tầm giá trị nông sản tiêu biểu của địa phương.

Khát khao lập nghiệp

Mang theo khát khao lập thân, lập nghiệp, làm giàu bằng sức lực, trí lực của bản thân, năm 2016, sau khi thôi làm giáo viên, Phạm Văn Quyên (SN 1987, thôn Minh Hưng, xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) tìm đến Công ty cổ phần Nông sản Việt Nam VEG xin vào làm việc.

Hai năm cống hiến, gắn bó và học hỏi kinh nghiệp trong quá trình làm sản xuất nông nghiệp, năm 2018, Quyên về quê thành lập HTX nông, lâm, thuỷ sản Nam Việt (HTX Nam Việt) do anh làm Giám đốc.

Bắt đầu lập nghiệp với 10ha chuyên sản xuất chuối, bình quân thu hoạch với sản lượng 30 tấn chuối/ha, Quyên nỗ lực tạo nên thương hiệu nông sản tiêu biểu và liên kết tiêu thụ 30ha chuối cho người dân địa phương.

Chia sẻ về những ngày đầu mới bắt tay vào làm nông nghiệp,  Quyên cho hay: “Làm nông nghiệp chưa bao giờ dễ đối với một người chuyển ngang công việc như tôi. Ngày nay, các bạn trẻ quay lại làm nông nghiệp rất ít, còn với tôi, làm nông nghiệp bằng tình yêu, niềm đam mê và nhạy bén về thị trường. Nhận thấy tiềm năng từ cây chuối của quê hương được trồng trên đất phù sa ven biển nên quả có vị thơm ngon hơn nhiều địa phương khác. Diện tích chuối của xã chủ yếu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa được nhiều người biết đến. Nên khi có cơ hội, tôi đăng ký tham gia Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP). Vượt qua các thủ tục khắt khe của chương trình, sản phẩm “Chuối tây” của HTX Nam Việt được UBND TP. Hải Phòng cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Là một trong số những sản phẩm OCOP đầu tiên của thành phố được công nhận năm 2019. Làm nên thương hiệu cho quả chuối, thương lái ở nhiều địa phương đổ về thu mua chuối nhiều hơn, giúp thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.

Không dừng lại ở việc sản xuất sản phẩm OCOP của địa phương, Quyên quyết định mở rộng quy mô sản xuất, tích tụ ruộng đất bỏ hoang, mạnh dạn thuê lại 10ha ở xã An Thọ (huyện An Lão) và 6ha ở xã Bắc Sơn (huyện An Dương). Từ những diện tích này, Quyên đầu tư cải tạo, hình thành các cánh đồng chuyên canh cây lúa, cây màu, thả cá, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Làm mới trên những cánh đồng cũ

Dẫn PV Kinh tế nông thôn đi thăm các cánh đồng, trước những thửa ruộng bỏ hoang lâu ngày không có người qua lại canh tác, nay được phủ màu xanh của cây cối, rau màu…, hẳn là quá trình cải tạo không ngừng nghỉ mà anh Quyên gây dựng.

Chia sẻ về quá trình vận động nhân dân, đánh thức những thửa ruộng từng “ngủ yên”, Quyên nói: “Để những thửa ruộng canh tác được là cả một quá trình dài, nhân dân phần lớn ủng hộ cao việc tôi thuê lại ruộng, tuy nhiên, quá trình cải tạo lại ruộng thì gian nan. Tại xã An Thọ, đất ruộng trũng nên cỏ mọc cao quá đầu người, tôi phải thuê máy đắp bờ, cải tạo ruộng… Mất nửa năm trời mới cải tạo xong 10ha và đưa vào gieo cấy lúa vụ mùa năm 2022, may mắn vụ lúa đầu tiên cho năng suất, sản lượng 2 tạ/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Đan xen với cấy lúa, tôi có thả thêm các loại cá rô, chép, trôi… để tăng hiệu quả sản xuất. Còn tại xã Bắc Sơn, tôi bắt đầu cải tạo từ tháng 3/2023 và chọn đưa các giống cam Đồng Dụ, vú sữa Hoàng Kim, nho sữa, dừa vào trồng. Đồng thời, thả 7 vạn cá rô, trê, 9 vạn ốc bươu. Trước mắt, cả cánh đồng 6ha đang dần được phủ màu xanh của cây và rau màu các loại”.

Hiện nay, chính những người nông dân từng bỏ ruộng hoang hàng chục năm không canh tác lại trở thành những công nhân làm việc thường xuyên cho HTX của Quyên. Bà Lê Thị Tấn  (xã Bắc Sơn, huyện An Dương) cho biết: “Sau khi anh Quyên về đây thuê ruộng để làm nông nghiệp quy mô bài bản, tôi đồng ý ngay và hiện tôi làm việc tại HTX. Công việc hàng ngày là nhổ cỏ, chăm sóc cây trồng, thu hoạch sản phẩm. Các loại cây trồng, rau tại HTX, Quyên đều nghiêm cấm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Từ những vùng đất cấy lúa kém hiệu quả, dưới sự nỗ lực không ngừng nghỉ,   Phạm Văn Quyên đã “hồi sinh” biến những thửa ruộng cũ trở nên mới hơn, rạng rỡ hơn… Các sản phẩm nông sản từ vùng đất này được cung cấp ra thị trường với chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chia sẻ về định hướng phát triển sự nghiệp của bản thân trong tương lai, anh Quyên cho biết: “Hiện nay, những vùng đất tôi đang canh tác mới chỉ là đang đầu tư, nguồn kinh tế đổi lại là chưa cao. Hiện, ngoài việc sản xuất nông nghiệp, tôi còn cung ứng các mặt hàng thực phẩm cho các khu công nghiệp, chợ đầu mối tại Hải Phòng. Mặc dù đi chậm hơn các đơn vị cung ứng thực phẩm khác, nhưng tôi tin mình sẽ đi chắc hơn họ. Chỉ vài năm nữa, sẽ có nhiều người dân bỏ ruộng, lúc đó những mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp sẽ mạnh hơn. Khi mà người làm nông nghiệp ít đi, các đơn vị cung ứng thực phẩm sẽ phụ thuộc vào chúng tôi. Chúng tôi sẽ kiểm soát được tốt nguồn thực phẩm  do mình làm ra, giảm thiểu rủi ro về mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hải Phòng đang khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, HTX tích tụ ruộng đất để làm nông nghiệp công nghệ cao. Tôi sẽ tập trung cao và đẩy mạnh việc sản xuất, xây dựng vườn trải nghiệm AnFarm gắn với phát triển du lịch nông nghiệp đồng quê”.

Để tình trạng bỏ đất không quay trở lại

Ông Phạm Đình Hạ, Phó Chủ tịch UBND xã An Thọ, cho biết,   HTX Nam Việt đang canh tác 10ha đất ruộng sâu trũng của nhân dân địa phương, qua hơn một năm cải tạo, sản xuất nông nghiệp đã mang lại kinh tế rõ rệt. Xã tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX có nhu cầu tích tụ ruộng đất về địa phương đầu tư và cải tạo đất nông nghiệp. Trên địa bàn xã vừa có đơn vị muốn thuê 3,5ha để trồng rau, dưa hữu cơ, nhưng với điều kiện ruộng phải bỏ hoá được tối thiểu 3 năm mới canh tác được.

Để khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang trên địa bàn huyện An Dương, ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, An Dương có khoảng 600ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất để canh tác. HĐND TP. Hải Phòng đã thông qua Nghị quyết số 15 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung trên địa bàn TP. Hải Phòng giai đoạn 2022-2025. Đây cũng được xem là giải pháp tối ưu, tránh lãng phí đất đai.

 Đồng thời khuyến khích người dân, HTX cho thuê, mượn, đổi ruộng cho nhau. Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của UBND TP. Hải Phòng, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất vào địa phương…

Những cơ chế, chính sách của ngành chức năng, các địa phương trong giải quyết tình trạng bỏ ruộng hoang được triển khai đồng bộ, giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Tác giả bài viết: kinhtenongthon.vn

Nguồn tin: Chu Vũ Giáp (cập nhật)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068