Nông dân Văn Giang "làm đẹp" cây cảnh phục vụ Tết cổ truyền

Nông dân Văn Giang "làm đẹp" cây cảnh phục vụ Tết cổ truyền

Còn khoảng hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nông dân Văn Giang đang tích cực chăm sóc, gò thế tạo dáng, “làm đẹp” cho cây để cho ra thị trường những cây cảnh có thế độc, lạ, muôn hình muôn vẻ. 

 

Tại khu vườn của gia đình anh Bì Xuân Hoàng ở thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa, gần 250 chậu bưởi cảnh các loại đã được thương lái đặt mua toàn bộ với giá bán từ vài trăm nghìn đồng đến gần chục triệu đồng một cây. Anh Hoàng cho biết, vài năm trở lại đây, ngoài đào, quất, nhiều người còn lựa chọn cây bưởi cảnh chơi Tết. Nắm bắt được xu thế, anh đã đầu tư làm bưởi cảnh phục vụ thị trường. 

Chỉ tay vào những chậu bưởi cảnh cao trên 3m, quả sai lúc lỉu, anh Hoàng cho biết: Bưởi cảnh được trồng từ gốc nhiều năm tuổi nhưng phải trải qua quá trình chăm sóc, tạo kiểu rất công phu để cây có thế đẹp, nhiều quả. Những gốc bưởi diễn lâu đời, hình thế đẹp, không bị sâu mọt… được anh tìm mua từ nhiều nơi. Sau khoảng 1 năm ươm gốc, anh Hoàng đưa cây bưởi lên chậu để tạo thế, chăm bón với quy trình phức tạp, cẩn thận từng ly, từng tý. Để có một chậu bưởi cảnh cung cấp ra thị trường, người trồng phải mất từ 2 – 3 năm chăm sóc, tạo tán hoàn chỉnh cho cây. 

 

Muốn có cây bưởi đẹp, ngoài số quả tự nhiên thì anh Hoàng phải ghép thêm quả sao cho số quả trên cây cân đối, quả to nhỏ đều nhau, tổng số quả trên cây phải mang một ý nghĩa đẹp theo quan niệm dân gian. Ngoài ra, anh còn ghép nhiều loại quả trên một cây như: quả phật thủ, cam, quýt, bưởi…Thời điểm ghép tùy từng loại quả, thông thường là từ đầu tháng 4 – 7 âm lịch. Để quả bưởi chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán, sắc quả vàng đẹp, đầu tháng 9, anh Hoàng cho tháo bỏ chụp bảo vệ quả bưởi, đồng thời cho bưởi “ăn” định kỳ. 

 

Ở xã Liên Nghĩa, nhà vườn của anh Đỗ Văn Thể ở thôn Phi Liệt khá nổi tiếng. Anh Thể có tổng diện tích 4 sào với trên 460 chậu cây cảnh: quất, cam, bưởi, quýt...

 

Ngoài những dáng cây quen thuộc, nhà vườn của anh Thể còn có những cây quýt cảnh được gò thành hình lộc bình. Để gò một cây như vậy phải cần đến 2 thợ “gò” lành nghề làm việc cật lực một ngày. Những cây quýt 3 năm tán xòe rộng được thợ “gò” ước lượng bằng mắt để “gò” cẩn thận từ dưới lên trên tròn đều thành hình chiếc lộc bình cao đến 3m. Kỳ công là vậy nên năm nay anh Thể chỉ gò được 10 cây quýt thành hình lộc bình, và mỗi cây như vậy có giá bán buôn là 10 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với những cây quýt gò theo thế thông thường.

Việc tạo thế cho cây cảnh mất rất nhiều thời gian, chính vì vậy nên ở những gia đình trồng nhiều thường phải tranh thủ bắt tay ngay vào công việc sớm hơn, hoặc thuê nhân công mới mong kịp mùa vụ. Công việc bận rộn đến nỗi nhiều người còn ăn trưa luôn ngoài ruộng để tận dụng được nhiều thời gian hơn... 

 

Với trên 1,5 mẫu trồng các loại cây: bưởi, cam đường canh, quýt, quất cảnh, anh Tấn ở thôn Phù Đình, xã Thắng Lợi đã bắt đầu “làm đẹp” cho cây từ đầu tháng 9 âm lịch và công việc này sẽ kéo dài đến tháng 11 mới hoàn thiện để kịp đưa ra thị trường đúng dịp Tết Nguyên đán. Anh cho biết: “Ngoài lao động của gia đình, tôi phải thuê thêm 4 - 5 thợ gò thế cho cây. Trung bình, mỗi ngày một người có thể tạo dáng được cho từ 5 - 7 cây cam, quýt cảnh. Công việc này đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo, con mắt thẩm mỹ và kiên trì, tỉ mỉ nên tiền công khá cao, từ 300.000 - 500.000 đồng/người/ngày”.

 

Huyện Văn Giang có gần 340ha trồng các loại cây cam, quất, quýt, bưởi cảnh, dịp Tết Nguyên đán năm nay dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1,2 triệu cây cảnh các loại, tập trung tại các xã Liên Nghĩa, Mễ Sở, Thắng Lợi, thị trấn Văn Giang. 

 

Ông Lê Hồng Sỹ, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Giang: “Từ nay đến Tết Nguyên đán, nông dân tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết để điều chỉnh ánh sáng phù hợp, thường xuyên tưới đủ ẩm cho cây vào buổi sáng và chiều tối. Quan sát dịch hại để tổ chức phòng trừ kịp thời, khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cây, đồng thời tăng cường bón phân hữu cơ, phân bón có nguồn gốc thực vật như: hạt ngô, đỗ tương… để giúp duy trì bộ lá cây được bền, đẹp”.

 

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Phạm Hạnh Dung (cập nhập)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068