Khoái Châu: Phát huy giá trị kinh tế từ trồng cây dược liệu

Khoái Châu: Phát huy giá trị kinh tế từ trồng cây dược liệu

Thời gian qua, nông dân huyện Khoái Châu tập trung đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, đồng thời, chú trọng liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Kiểm tra, đóng gói sản phẩm sữa nghệ tại Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (Khoái Châu)

Kiểm tra, đóng gói sản phẩm sữa nghệ tại Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (Khoái Châu)

Với lợi thế về thổ nhưỡng, kinh nghiệm sản xuất của nông dân nên những năm gần đây, diện tích cây dược liệu ở huyện Khoái Châu không ngừng được mở rộng, hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung. Hiện nay, toàn huyện có trên 470 héc-ta trồng cây dược liệu gồm: Nghệ, địa liền, ngưu tất, cỏ ngọt, bạc hà, húng quế... tập trung ở các xã: Chí Tân, Tân Dân, Bình Minh, An Vĩ, Tứ Dân... Việc hình thành các vùng dược liệu tập trung đã tạo điều kiện cho người dân mở rộng trồng các loại dược liệu quý, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ dược liệu.

Do dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều chất đất, ít bị sâu bệnh, không mất vốn mua cây giống, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch trong vòng 1 năm, cây nghệ đang được nhiều hộ dân lựa chọn là cây trồng chính để phát triển kinh tế. Bình quân mỗi héc-ta cho thu hoạch khoảng 27 tấn củ, hiện nay, giá bán củ tươi khoảng 7.500 đồng/kg, giá trị thu được trên 1 héc-ta ước đạt khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, nông dân còn trồng xen các loại cây như lạc, đỗ… để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Không chỉ bán củ tươi, những năm gần đây, người trồng nghệ còn đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ củ nghệ để nâng cao giá trị kinh tế. Hiện nay, nghệ khô đang được thu mua với giá khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg. Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên, xã Chí Tân đã tập trung phát triển các sản phẩm từ nghệ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Ông Hoàng Quang Đông, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên cho biết: Năm 2011, tôi bắt đầu tìm hiểu và làm nghề chế biến các sản phẩm từ củ nghệ. Hiện nay, mỗi năm công ty sản xuất hàng trăm tấn nghệ khô, nghệ bột, viên nghệ tẩm mật ong, sữa nghệ... Do được đầu tư các thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại và sản xuất theo quy trình khép kín, yêu cầu khắt khe về an toàn, vệ sinh thực thẩm nên các sản phẩm được sản xuất ra đều đạt tiêu chuẩn theo quy định và được người tiêu dùng tin tưởng. Sản phẩm tinh bột nghệ, bột nghệ, nanocurcumin của công ty được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh.

Cây bạc hà “bén rễ” với người dân xã Tứ Dân từ lâu, được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, xã có gần 7 mẫu trồng cây bạc hà, những thửa ruộng bạc hà được trồng để phục vụ cho việc lấy tinh dầu.  Là cây dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, thích hợp với nhiều loại đất, bạc hà có thể trồng xen cùng các loại cây ăn quả khác mà năng suất vẫn cao. Theo kinh nghiệm sản xuất của nông dân, khi trồng cần lên luống giống như trồng các loại rau màu, đồng thời, chú ý làm đất sạch cỏ, diệt trừ các loại mối, sâu bệnh trong đất. Để tăng dược tính cho cây bạc hà, trong quá trình canh tác cần thay thế phân bón hóa học bằng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh và hạt đậu tương nghiền mịn, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; phòng trừ sâu bệnh bằng các thuốc có nguồn gốc sinh học, làm cỏ thủ công kết hợp dùng màng nilon phủ luống, để giữ ẩm đất, giảm tưới nước, chống rửa trôi dinh dưỡng và hạn chế cỏ dại, nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường. Bình quân mỗi sào trồng bạc hà thu hoạch được từ 5 đến 6 tạ thành phẩm khô/năm, giá bán hiện tại khoảng 800.000 đồng/kg tinh dầu, mỗi sào bạc hà cho lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/năm. Anh Đỗ Minh Ngọc, xã Tứ Dân chia sẻ: Gia đình tôi đang trồng hơn 5 sào cây bạc hà, với giá bán tinh dầu bạc hà như hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây dược liệu, gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng bạc hà để phát triển kinh tế gia đình.

Phát triển cây dược liệu là hướng đi đang được huyện khuyến khích, góp phần phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân trong việc đưa các giống cây dược liệu mới vào canh tác, chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, hệ thống kinh doanh dược liệu cùng với các cơ sở sản xuất, chế biến, chiết xuất dược liệu… góp phần thúc đẩy sự phát triển các vùng trồng dược liệu trên địa bàn.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Phạm Hạnh Dung (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068