Sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học: Cần cơ chế, chính sách đủ mạnh

Sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học: Cần cơ chế, chính sách đủ mạnh

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tăng tỷ lệ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30%; tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học đạt 30% so với tổng lượng thuốc BVTV sử dụng.

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh kiểm tra sản phẩm thuốc trừ sâu tại cửa hàng bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Thanh Tân)

Mục tiêu đã có, tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng hiệu quả thuốc BVTV sinh học như kế hoạch đã đề ra cần có một lộ trình với các bước đi và giải pháp quyết liệt.

Tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, phát triển thuốc BVTV sinh học đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp.

“Miếng bánh” chưa hấp dẫn

Nguyên Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, hiện nay nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới có chiến lược và các giải pháp thiết thực để phát triển sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học. Trung Quốc đã lập quỹ quốc gia 800 triệu nhân dân tệ hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học để phòng chống sinh vật gây hại. Ấn Độ có khoảng 400 cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học, trong đó 130 cơ sở tư nhân và 280 cơ sở của Nhà nước.

Chính phủ Ấn Độ cấp kinh phí hằng năm hỗ trợ cho 31 viện, trường, 22 sở công nghệ sinh học của các bang, 98 phòng thí nghiệm đấu tranh sinh học của Ấn Độ nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc BVTV sinh học.

Ấn Độ hiện là một trong các quốc gia châu Á tạo được sự chuyển biến khá mạnh mẽ trong việc sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học. Giá trị thị trường thuốc BVTV sinh học của Ấn Độ đạt 69,62 triệu USD, chiếm khoảng 9% giá trị thị trường thuốc BVTV, dự báo sẽ đạt hơn 130 triệu USD vào năm 2029.

Những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách phát triển sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học như: Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc BVTV, các chính sách ưu tiên về đăng ký thuốc BVTV sinh học so với các thuốc BVTV hóa học.

Ngoài ra, còn có các chính sách khác của Chính phủ; trong đó, các vấn đề về tăng cường sử dụng, phát triển sản xuất thuốc BVTV sinh học đã được thể hiện trong các văn bản đã ban hành như: Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.

Gần đây nhất, ngày 18/12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 5415 /QĐ-BNN-BVTV phê duyệt “Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp, mặc dù nước ta đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển thuốc BVTV sinh học, nhưng các chính sách hiện nay vẫn còn chung chung, chưa cụ thể để khuyến khích nghiên cứu, hỗ trợ vốn và đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học.  
   

Nếu có hỗ trợ, mức hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học. Vì thế, cả doanh nghiệp, nhà nông hiện đều không mặn mà đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học.

Tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển

Thu gom bao, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng tại đồng ruộng. Ảnh: Thanh Tâm

Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn bày tỏ mong muốn đề án phát triển thuốc BVTV sinh học sớm được triển khai vào thực tế sản xuất với cơ chế, chính sách cụ thể và đủ mạnh, đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học.

Cơ quan chức năng nên tham khảo cách làm về đăng ký, quản lý, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV sinh học của các quốc gia tiên tiến. Nếu chính sách chung chung, đầu tư dàn trải, không có trọng điểm thì không thể gây dựng được cộng đồng doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV sinh học hùng mạnh. Nhà nước nên chọn mặt gửi vàng các doanh nghiệp có đủ năng lực sản xuất, cung cấp các thuốc BVTV sinh học phù hợp mô hình, có nguồn nhân lực, tài chính để hỗ trợ trong quá trình thực hiện. Tạo được những đầu tàu lớn sẽ kéo theo sự phát triển của hàng loạt doanh nghiệp toàn ngành.

Công ty TNHH Thương mại Tân Thành kiến nghị, cơ quan chức năng cần đơn giản hóa quy trình và thủ tục đăng ký đối với các thuốc BVTV sinh học; rút ngắn thời gian khảo nghiệm đối với thuốc sinh học xuống còn một năm; xây dựng chuỗi giá trị nông sản cho các vùng sản xuất có sử dụng thuốc BVTV sinh học...

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, một khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV là ngành thuốc BVTV chưa có đủ phương pháp thử để xác định hàm lượng cụ thể đối với các loài vi sinh vật đặc thù, gây khó khăn trở ngại cho việc nhập khẩu, sản xuất và hợp quy các sản phẩm thuốc BVTV sinh học.

Vì thế, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung một số các văn bản về quản lý thuốc BVTV cũng như quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm và kiểm định thuốc BVTV.

Xây dựng hoàn thiện các tiêu chuẩn về phương pháp thử đối với một số thuốc BVTV sinh học đã có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối kết hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp, người dân, đơn vị nghiên cứu, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học.

Đối với vấn đề sử dụng, cần ưu tiên lựa chọn triển khai xây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học trên các loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu; vùng có nguy cơ mất an toàn do sử dụng thuốc BVTV hóa học; vùng sản xuất hữu cơ, chuyên canh. Trong đó, phải sử dụng các chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về BVTV để tư vấn thực hiện mô hình.

Giám sát chặt chẽ, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện và xây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học để từ đó nhân rộng trong sản xuất. Khi chứng minh được hiệu quả, sẽ tạo niềm tin cho nông dân và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Có chính sách hỗ trợ cụ thể về giá đầu ra các sản phẩm nông nghiệp có sử dụng thuốc BVTV sinh học.

Ngoài ra, các bộ, ngành cần bổ sung, ưu tiên các chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học; ưu tiên kinh phí cho các đề tài, dự án cấp Nhà nước để nghiên cứu các thuốc BVTV sinh học; kinh phí cho các chương trình khuyến nông để ứng dụng kết quả của các đề tài, dự án trong bảo vệ thực vật; kinh phí cho xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn Việt Nam liên quan các thuốc BVTV sinh học; rà soát, sửa đổi, bổ sung, cắt giảm các quy định, các điều kiện liên quan công tác quản lý thuốc BVTV sinh học; các quy định về miễn giảm phí, thuế trong quá trình nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh.

Cùng với đó, các địa phương cần ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học, nhất là khuyến khích sử dụng thuốc BVTV sinh học ở quy mô nông hộ trên địa bàn.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068