Giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Mở rộng diện tích trồng cỏ

Giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Mở rộng diện tích trồng cỏ

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc nhờ hệ thống đồng cỏ phong phú. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế này chưa được người dân phát huy, đến nay bà con vẫn chăn nuôi theo phương thức cũ (thả rông) nên hiệu quả kinh tế không cao.

Tiềm năng lớn
            Hiện nay, chăn nuôi bò đang phát triển mạnh ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, chủ yếu là giống bò bản địa có tầm vóc nhỏ, tỷ lệ thịt xẻ, thịt tinh thấp nhưng khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu tốt. Tổng đàn bò thịt năm 2014 đạt 1.516.267 con, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 60.160 tấn, tăng 11,2% so với năm 2013. Số lượng đàn trâu năm 2014 toàn vùng đạt trên 1,87 triệu con, chiếm 74,6% tổng đàn trâu của cả nước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 56.355 tấn, chiếm 64,9%.
            Chăn nuôi dê cũng là thế mạnh ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Theo Tổng cục Thống kê, số lượng đàn dê năm 2014 của toàn vùng đạt trên 898.295 con, chiếm 56,1% tổng đàn dê cả nước. Ngoài ra, đàn ngựa cũng đang phát triển nhanh với tổng đàn năm 2014 là 65.500 con, chiếm 97,9% tổng đàn ngựa của cả nước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 1.260 tấn, chiếm 92,6%.
            Dù đã có sự phát triển vượt bậc nhưng chăn nuôi gia súc ở vùng trung du, miền núi phía Bắc vẫn theo phương thức chăn nuôi quảng canh, nhỏ lẻ, tỷ lệ trâu, bò, dê thả rông chiếm khá nhiều. Công tác quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi từ cấp tỉnh đến các huyện chưa được hoàn thiện; vấn đề chuyển đổi một phần diện tích đất canh tác nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn phục vụ chăn nuôi còn hạn chế. Chất lượng nguồn thức ăn thô xanh thấp, giống cỏ trồng hầu hết là cỏ hòa thảo, còn lại chỉ là cỏ tự nhiên hỗn hợp ở bãi chăn thả tận dụng, cỏ họ Đậu ít và có năng suất thấp; chưa sử dụng hợp lý nguồn lợi lớn từ phụ phẩm nông, công nghiệp để chế biến, bảo quản làm thức ăn cho gia súc nhai lại.
            Hiệu quả cao từ những mô hình khuyến nông
            Từ thực tế phát triển chăn nuôi gia súc ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp bà con tiếp cận mô hình chăn nuôi bền vững, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai nhiều mô hình nhằm nâng cao chất lượng đàn trâu, bò. Trong đó, dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ” triển khai tại 11 tỉnh (Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Phước, Quảng Bình, Thái Nguyên và Thái Bình), với quy mô thực hiện 2.924  bò vỗ béo và 3.000 bò được thụ tinh nhân tạo (TTNT) đã cho kết quả khả quan.
TS.Nguyễn Thị Hải (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, dự án được triển khai tại các tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển chăn nuôi bò, đặc biệt là có quỹ đất lớn để trồng cỏ, dồi dào nguồn thức ăn và quy mô đàn bò lớn nên việc lựa chọn, bình tuyển đàn cái nền để TTNT và bò vỗ béo rất thuận lợi và đúng đối tượng.

TS.Cao Huy Thông, GĐTT Khuyến nông Quốc gia tham quan mô hình nuôi bò ở Yên Bái.

Trong 3 năm, dự án đã xây dựng được 28 mô hình với 56 điểm trình diễn. Trong đó, có 14 mô hình cải tạo chất lượng bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT với quy mô 3.000 bò cái; 14 mô hình vỗ béo bò thịt với quy mô 2.924 bò thịt; có 1.385 lượt nông dân ngoài mô hình được tập huấn kỹ thuật TTNT và vỗ béo bò thịt, trong đó có 105 người được đào tạo thành dẫn tinh viên lành nghề, 1.380 lượt nông dân được tham quan học tập. Hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng 13 -15%.
            Trước khi triển khai dự án, hầu hết các hộ chưa thực hiện vỗ béo bò, nếu có cũng không xác định khối lượng bò trước khi đưa vào vỗ béo để hạch toán và xây dựng khẩu phần ăn, không tiêm tẩy nội, ngoại ký sinh trùng. Khi dự án được triển khai, cán bộ kỹ thuật đã đến khảo sát từng hộ, đo khối lượng, xác định độ tuổi bò, giới tính, giống từ đó phân loại. Trước khi vỗ béo 1 - 2 tuần tiến hành sử dụng thuốc tẩy ký sinh trùng. Trong suốt thời gian vỗ béo, các hộ được hướng dẫn đo khối lượng hàng tháng để theo dõi mức tăng trọng. Kết quả triển khai dự án thấy, đối với bê có khối lượng 144 - 220kg, sau 3 tháng vỗ béo đạt 207 - 246 kg/con, tương ứng với khả năng tăng trọng 727,5g/con/ngày; bò có khối lượng 220 - 270kg, sau 3 tháng vỗ béo đạt từ 289 - 332kg/con, tương ứng 776,5g/con/ngày; đối với bò có khối lượng trên 270kg, tăng trọng bình quân 760,5 g/con/ngày.
            Nếu so sánh khả năng tăng trọng của đàn bò trong mô hình với ngoài mô hình tại cùng thời điểm, thì có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể, đàn bò trong mô hình có khả năng tăng trọng cao hơn 332,33g/con/ngày (754,83 g/con/ngày so với 422,5 g/con/ngày), tương ứng với 78,65%.
            Bò sau khi vỗ béo bán cho thu nhập 31.560.000 đồng (đối với các hộ tham gia dự án) và 27.780.000 đồng (đối với các hộ không tham gia dự án), như vậy, hiệu quả kinh tế tăng lên 13,61%.
            Dự án chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ cũng góp phần nâng cao tỷ lệ sinh sản của đàn trâu cái, rút ngắn khoảng cách lứa đẻ; nâng cao khối lượng nghé sơ sinh, khối lượng trâu ở các lứa tuổi, phục hồi chất lượng đàn trâu; tăng hiệu quả chăn nuôi trâu sinh sản của các hộ tham gia mô hình lên 10-15%.
Theo ThS. Hoàng Văn Định, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, dự án được triển khai tại 9 tỉnh, bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; với quy mô 302 trâu cái và 24 trâu đực; 326 người tham gia mô hình.
            Mỗi hộ được hỗ trợ 1 trâu giống bảo đảm về chất lượng và an toàn dịch bệnh, có tiềm năng tầm vóc lớn từ dòng trâu Ngố; được hỗ trợ thức ăn tinh để nâng cao khả năng sinh trưởng, phát triển và khả năng động dục, mang thai. Bên cạnh được nhận trâu giống, các hộ tham gia còn được tập huấn, học hỏi các kiến thức cần thiết như chọn giống trâu, chăm sóc nuôi dưỡng trâu chửa đẻ, nghé con, kỹ thuật làm chuồng, trồng cỏ, chế biến thức ăn, phòng chống rét và dịch bệnh trên đàn trâu. Đặc biệt, cán bộ dự án còn hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi biết ghi chép theo dõi quá trình nuôi, hạch toán kinh tế trong chăn nuôi, từ đó chủ động trong nuôi dưỡng và phòng bệnh, công tác vệ sinh chuồng trại của các hộ tham gia đã thay đổi, từ ý thức đến việc làm. Ngoài việc bảo đảm vệ sinh khu chăn nuôi tại gia đình, các hộ cũng góp phần cải tạo môi trường chung của khu vực.
            Theo ước tính, thông qua hiệu quả từ việc phát hiện động dục sớm, chăm sóc trâu sinh sản trước và sau khi sinh, tận dụng tốt nguồn phụ phẩm nông nghiệp, kiểm soát dịch bệnh thường xuyên, hiệu quả kinh tế tăng từ 10 - 15% so với các hộ chăn nuôi không kiểm soát, chăn nuôi tự phát.
            Nếu so sánh việc chưa áp dụng dự án hoặc các hộ chăn thả theo phương thức tự do, truyền thống (tỷ lệ phối chửa lần 1 chỉ đạt dưới 50%, khối lượng nghé sơ sinh đạt trung bình 18-19kg/con và thường còi cọc, chậm lớn) thì sau khi tham gia dự án,  tỷ lệ phối chửa đạt trên 60%, khối lượng sơ sinh trên 22kg/con. Bên cạnh đó, dự án còn theo dõi khả năng hiệu quả cải tạo tầm vóc trâu cái địa phương thông qua trâu đực hỗ trợ. Mỗi trâu đực bảo đảm duy trì phối giống đạt từ 20 - 30 trâu cái/năm.
            Mở rộng diện tích đồng cỏ
            Là một trong nhiều giải pháp được đưa ra tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng an toàn, bền vững vùng Trung du, miền núi phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức. Theo đó, các địa phương cần chuyển diện tích sản xuất lương thực kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc. Mở rộng diện tích trồng cỏ, phổ biến nhanh các giống cỏ năng suất cao, chịu hạn, chịu rét tốt để người chăn nuôi gieo trồng. Khuyến khích các nông hộ, các trang trại chăn nuôi dành diện tích đất thích hợp để trồng thâm canh các loại cỏ như cỏ voi, cỏ Ghi nê, VA06…., nhằm chủ động để có đủ nguồn thức ăn thô xanh kết hợp phát triển trồng cỏ hỗn hợp, cỏ họ Đậu để cải thiện chất lượng cỏ.
Thu gom rơm rạ, cây ngô, cây đậu, cây lạc khi thu hoạch; dự trữ, chế biến để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn thức ăn, phế - phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại các địa phương (ủ chua, xử lý rơm, thân cây ngô già bằng urê…); dự trữ thức ăn thô (rơm rạ, cỏ khô), bổ sung cho trâu, bò (rơm ủ urê, ủ chua thức ăn xanh, chế biến bánh dinh dưỡng-urê-rỉ mật) nhằm đảm bảo đầy đủ khẩu phần ăn, nâng cao sức đề kháng, khả năng chống đỡ bệnh tật cho đàn gia súc nhai lại.
Hướng dẫn nông dân chăn nuôi theo giai đoạn, quy trình, một mặt giảm chi phí thức ăn, mặt khác khai thác tối đa mức tăng trưởng của vật nuôi; luôn chọn lọc, thay thế đàn để nuôi thịt, vỗ béo trâu, bò, dê thịt trước khi bán hoặc giết thịt.

Nguồn tin: Báo kinh tế Nông thôn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068