Thanh niên nông thôn trở lại với đồng đất quê hương

Thanh niên nông thôn trở lại với đồng đất quê hương

Cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở TP. Hải Phòng bị bỏ hoang, phần vì hạt thóc làm ra không bù được chi phí, phần vì các khu công nghiệp thu hút lượng lớn lao động khiến lực lượng lao động cho ngành nông nghiệp giảm về số lượng, tăng về độ tuổi và chất lượng không đáp ứng yêu cầu mới.

Đất nông nghiệp bị bỏ hoang đã và đang trở thành tình trạng đáng báo động, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn an ninh lương thực, gây lãng phí tài nguyên đất.

Bài 1: Nông dân bỏ ruộng

Nhiều thửa ruộng “bờ xôi, ruộng mật” từng là nguồn thu nhập chính cho nông dân Hải Phòng, nay bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm... Một phần do thiếu nhân lực, một phần do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún nên người dân không còn mặn mà với ruộng vườn.

Không còn mặn mà với đồng ruộng

Theo lịch nông vụ, cuối tháng 9, đầu tháng 10 là thời điểm thu hoạch lúa vụ mùa năm 2023 ở miền Bắc, nhưng diện tích đất nông nghiệp để cỏ mọc tại TP. Hải Phòng lên đến hàng nghìn hecta, việc này gây lãng phí tài nguyên đất. Nhiều diện tích đất không canh tác lâu ngày khiến cỏ mọc cao cả mét, có chỗ vì không canh tác trở thành điểm tập kết rác tự phát hoặc trở thành rãnh thoát nước thải, nặng hơn là tình trạng chiếm đất nông nghiệp để xây dựng  nhà ở, xưởng sản xuất…

Theo ghi nhận thực tế của PV Kinh tế nông thôn tại nhiều địa phương như An Dương, An Lão, Dương Kinh…, tình trạng người dân bỏ ruộng được tập trung nhiều ở những địa phương ven thành phố hoặc gần các khu công nghiệp.

Bà Vũ Thị Huân ở xã Bắc Sơn (huyện An Dương) cho biết: “Cả đời tôi gắn với cây lúa, gắn với sản xuất nông nghiệp. Đến nay, hàng tháng nhà tôi phải đi mua gạo về ăn. Bỏ ruộng khoảng 10 năm nay, trước đây cấy 1 sào ruộng (1 sào Bắc Bộ = 360m2) thu hoạch được 2 tạ thóc, nhưng gần đây do nhà  cấy nhà không nên chuột  phá hoại sản xuất rất mạnh. Cấy lúa không đủ cho các chi phí như làm đất, mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu…; làm không đủ ăn mà phải bù lỗ. Giờ tuổi lại cao, các con đi làm doanh nghiệp nên nhà tôi không làm ruộng nữa”.

Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định kèm theo giá vật tư nông nghiệp tăng cao, khiến cho người nông dân chán, bỏ ruộng. Chia sẻ về tình trạng này, ông Phạm Đình Hạ, Phó Chủ tịch UBND xã An Thọ (huyện An Lão) nói: Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã  là 256 ha, trong đó cấy lúa 165ha, còn lại là trồng rau màu các loại. An Thọ có 1.500 hộ dân được giao ruộng sản xuất nông nghiệp, nhưng trên thực tế chỉ còn khoảng 300 hộ cấy lúa, có nhà chỉ cấy để lấy thóc ăn.

“Ngày trước, Nhà nước không hỗ trợ cho sản xuất cấy lúa, chi phí cho các dịch vụ khá cao nhưng người ta vẫn cấy. Bây giờ, Nhà nước khuyến khích khi cấy 3ha trở lên được hỗ trợ 50% giống, 100% phân bón lót, điện, nước… nhưng bà con vẫn không cấy. Người dân bỏ ruộng không canh tác của xã khoảng 30ha, và diễn ra phổ biến những năm gần đây. Nguyên nhân chính là hiệu quả kinh tế thấp, đầu tư nhiều mà làm lại rủi ro, nhân lực lao động để làm nông nghiệp vào hết các công ty, xí nghiệp làm việc để có mức thu nhập ổn định, cao hơn”, ông Hạ cho biết thêm.

Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng thu nhập từ trồng lúa không được là bao nên nhiều nông dân ở Hải Phòng  không còn mặn mà với “đất”. Từ đầu năm 2023 đến nay, diện tích bỏ  hoang ở các huyện tăng thêm 476 ha, nâng tổng số diện tích bỏ ruộng trong 5 năm (2018-2023) của TP. Hải Phòng lên 4.331ha.

Xót xa thấy ruộng đồng bỏ hoang

Ruộng đất nuôi sống nông dân, gắn bó với nông dân từ bao đời nay. Thế nhưng hiện nay, nhiều người lại bỏ phí đất không canh tác, khiến cho nhiều địa phương gặp khó khăn trong hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, cả tuổi thơ gắn bó với  thửa ruộng, ao đầm thuỷ sản và vườn chuối rộng hàng trăm hecta, nên hơn ai hết, thầy giáo Phạm Văn Quyên (SN 1987, thôn Minh Hưng, xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng) thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân khi làm nông nghiệp.

Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, anh Quyên cho hay, nghề nào cũng có áp lực và vất vả riêng, nhưng làm ruộng vất vả hơn cả. Bởi người nông dân chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá thì lại mất mùa”, dẫn đến thu nhập bấp bênh, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chưa quy vùng được sản xuất tập trung quy mô lớn. Đặc biệt, đầu ra cho các sản phẩm chưa tốt, việc này cũng khiến cho nhiều nông dân chán làm nông nghiệp và bỏ ruộng. Nhìn những thửa ruộng mênh mông không có người canh tác mà xót xa.

“Tôi đi nhiều địa phương, khi về quê hương vẫn canh cánh trong lòng làm sao để phát huy được giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương, đặc biệt là nguồn lợi thuỷ sản. Bởi Tiên Lãng có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, bờ đê ven biển dài có lợi thế và mở rộng diện tích tự nhiên ra phía biển. Đây là điều kiện để phát triển kinh tế biển và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Mặc dù lợi thế thấy rõ, nhưng hiện nay diện tích NTTS của huyện  lại đang bị “bỏ hoang mặt nước” và người NTTS chưa phát huy được tiềm năng, nhiều hộ thả cá cho có chứ chưa tập trung cao cho cải tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tôi rất muốn phát triển thêm mảng NTTS nhưng để thuê lại diện tích NTTS của người dân là rất khó”, anh Quyên cho biết thêm.

Trước tình trạng người dân bỏ ruộng ngày một tăng cao, những thửa ruộng còn chưa có người canh tác, chưa phát huy tối đa được hiệu quả kinh tế mà chúng mang lại, bằng nhiệt huyết, tình yêu tha thiết với mảnh đất quê hương, anh Phạm Văn Quyên nung nấu quyết định về quê lập nghiệp.

Tác giả bài viết: kinhtenongthon.vn

Nguồn tin: Chu Vũ Giáp (cập nhật)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068