Tăng nông sản chế biến đạt chuẩn quốc tế: Vẫn là chuyện dài?

Tăng nông sản chế biến đạt chuẩn quốc tế: Vẫn là chuyện dài?

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ tự cung, tự cấp sang phát triển đa dạng theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn.

 

Tuy nhiên, tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế của chúng ta hiện vẫn còn thấp. Để tăng sản phẩm nông sản chế biến đạt chuẩn quốc tế, cần giải quyết hàng loạt vấn đề lớn.

Năng lực chế biến ở mức trung bình 

Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hàng nông sản luôn chiếm tỷ trọng khá cao, nhiều loại nông sản khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới như: gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, chè, trái cây, rau quả… 

Sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản... Trong đó, EU là thị trường tiềm năng của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết vào cuối năm 2015.

Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn, nông sản xuất khẩu của Việt Nam hiện  chủ yếu xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản; chưa đảm bảo/đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, dẫn đến giá trị của nông sản Việt còn thấp.

Chế biến, sơ chế hoa quả để giữ được sản phẩm tươi ngon ngay sau khi thu hoạch là yêu cầu căn bản cho xuất khẩu nông sản. Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

Theo ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), dù số lượng cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta hiện nay khá lớn, song trình độ chế biến chỉ mới ở mức trung bình.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Viện Công nghệ sau thu hoạch, do trình độ phát triển và mức độ đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp nên tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế đến nay mới đạt khoảng 10% và số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới đạt khoảng 15%.

Kết thúc năm 2022, lần đầu tiên XK rau quả chế biến vượt mốc 1 tỷ USD (1,014 tỷ USD), đạt 30,4% trong tổng kim ngạch XK rau quả.

Phần lớn rau quả tươi của ta XK sang Trung Quốc nhưng nhóm sản phẩm rau quả chế biến đích đến lại là thị trường EU, Hoa Kỳ.

Nguyên nhân dẫn thực trạng trên là do phần lớn các doanh nghiệp chế biến nông sản chưa chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu đảm bảo về số lượng và chất lượng. Hơn nữa, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ trong các ngành hàng phần lớn thiếu chặt chẽ.

Đó là chưa kể khả năng tài chính của doanh nghiệp còn thấp nên khó tiếp cận công nghệ mới.

Cần giải quyết hàng loạt vấn đề

Công nghiệp chế biến, chế tạo là con đường phát triển để tạo nên sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, phát triển hệ thống chế biến nông sản theo hướng hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế vẫn là câu chuyện dài, đòi hỏi phải giải quyết hàng loạt vấn đề từ  xác định thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sau đó là cơ chế, chính sách, nguồn vốn, công nghệ...

Muốn sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế, điều đầu tiên cần xác định nguyên liệu đầu vào phải chuẩn hóa theo thị trường. Hay nói cách khác, HTX, người nông dân cần sản xuất nông nghiệp theo các nhu cầu bắt buộc như: thực hiện nghiêm việc đáp ứng quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp…

Tiếp đó, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cần phải được hợp tác, liên kết hóa thành một chuỗi chặt chẽ. Đồng thời, với vai trò là trung tâm chuỗi,  doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu   cần có sự kết nối chặt chẽ với các thành viên khác trong chuỗi. Tránh tình trạng “đầu xuôi nhưng đuôi không lọt”, không thể tiêu thụ được; hoặc đứt gãy chuỗi sản xuất khiến nông sản chế biến xong không có đầu ra.

Muốn làm được điều này, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, để tham gia chuỗi cung ứng hàng nông sản an toàn và bền vững, Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp qua việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, cần ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quyết tâm của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Văn My, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, cho biết, để nâng cao hiệu quả liên kết, khâu quản lý phải chặt, đảm bảo giá cạnh tranh trên thị trường, đồng thời phải đảm bảo được tính an toàn và bền vững của sản phẩm. Bên cạnh đó, các chính sách đưa ra phải nhất quán, thống nhất từ trên xuống dưới.

Trong Đề án phát triển ngành chế biến rau quả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đặt ra là, đến năm 2030, XK rau quả đạt 8-10 tỷ USD ,trong đó tỷ trọng của sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến đạt 2 triệu tấn/năm; 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả XK đạt trình độ, có công nghệ tiên tiến.

Cùng với đó, doanh nghiệp chế biến cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy mạnh việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng TOP 10 nước hàng đầu của thế giới, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Trần Thanh Nam, các địa phương cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến, nhằm nâng tỷ trọng nông sản có giá trị gia tăng cao, giảm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô. Bộ sẽ phối hợp với các địa phương hỗ trợ đầu tư mới và mở rộng công suất các cơ sở chế biến đối với những ngành hàng có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm...

Tác giả bài viết: kinhtenongthon.vn

Nguồn tin: Chu Vũ Giáp (cập nhật)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068