Hưng Yên: Sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

Hưng Yên: Sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

Nhằm hỗ trợ cho nông dân trong tỉnh trồng lúa, cây vụ đông, hàng năm tỉnh đã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ nông dân tất cả các huyện, thành phố mua giống lúa 2 vụ và giống cây vụ đông, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, bảo vệ cây trồng. Tuy nhiên, theo tổng hợp của ngành chuyên môn, đến tháng 6 năm 2017, nguồn kinh phí hỗ trợ giống lúa, giống cây vụ đông được phân bổ năm 2016 và 6 tháng năm 2017 vẫn còn hơn 15 tỷ đồng chưa được giải ngân.

 

Giống lúa mới, giống cây vụ đông năng suất, chất lượng… được tỉnh hỗ trợ giống như nguồn lực thúc đẩy, tiếp thêm hứng khởi cho nông dân sản xuất, giảm bớt gánh nặng chi phí vật tư nông nghiệp mỗi khi vào vụ. Bà Nguyễn Thị Lý, nông dân xã Đa Lộc (Ân Thi) cho biết: “Nhiều vụ sản xuất vừa qua, được sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện, gia đình tôi đã có giống lúa nếp thơm Hưng Yên, giống lúa Thiên Ưu 8 để gieo cấy. Qua quá trình sản xuất, thu hoạch tôi nhận thấy đây là những giống lúa chất lượng cao, thơm ngon, bán được giá trên thị trường. Ngoài lượng thóc giống được hỗ trợ, gia đình tôi còn mua thêm để mở rộng diện tích canh tác, nâng cao hiệu quả canh tác”. Không chỉ gia đình bà Lý, trên địa bàn huyện Ân Thi có hàng trăm hộ nông dân đã được tiếp cận với nguồn hỗ trợ giống sản xuất nông nghiệp của tỉnh, là “điểm sáng” của tỉnh trong sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Năm 2017, huyện Ân Thi được tỉnh cấp kinh phí gần 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ mua giống lúa thuần, tương đương 1,2 nghìn ha. Qua triển khai hỗ trợ giống lúa cho nông dân gieo cấy vụ xuân và vụ mùa 2017, tổng diện tích được hỗ trợ là hơn 1.114 ha, sử dụng hết nguồn kinh phí hơn 1 tỷ đồng, còn lại hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí được tỉnh hỗ trợ diệt chuột hơn 420 triệu đồng đã được huyện sử dụng hết 100%. 

 

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ân Thi Nguyễn Thúy Giang cho biết: “Để có được kết quả này, phòng đã thường xuyên tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn trong triển khai kế hoạch hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Đồng thời tích cực tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã, thị trấn về cơ chế hỗ trợ, thủ tục đăng ký, nhận giống, lợi ích của việc sản xuất các giống mới, quy trình sản xuất… để nông dân nắm được, hưởng ứng”.

 

Song bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương huyện, thành phố triển khai kém hiệu quả nguồn hỗ trợ giống lúa, giống cây vụ đông từ năm 2016 đến nay, dẫn đến tình trạng “tồn” kinh phí hỗ trợ. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, trong vụ đông năm 2016 – 2017 và 2 vụ lúa năm 2017, tất cả các huyện, thành phố đều có kinh phí hỗ trợ bị tồn đọng ở mức độ khác nhau. Nhiều nhất như các huyện: Văn Lâm, Khoái Châu, Mỹ Hào… Tại huyện Văn Lâm, trong 2 vụ lúa xuân và lúa mùa năm 2017, kế hoạch hỗ trợ giống lúa cho huyện là 603 ha, nhưng trên thực tế huyện chỉ thực hiện được hơn 327 ha. Còn đối với giống cây trồng vụ đông năm 2016 – 2017, huyện Văn Lâm được hỗ trợ 80 ha diện tích trồng khoai tây, nhưng khi thực hiện chỉ có xã Việt Hưng triển khai với hơn 50 tấn giống được gieo trồng. Nói về nguyên nhân của tình trạng không giải ngân hết nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm Trần Văn Lâm cho biết: “Nhìn chung công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai, tuyên truyền cho nông dân trong huyện chưa đạt hiệu quả. Lãnh đạo một số xã, thị trấn thiếu quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, dẫn đến triển khai đến các thôn và hộ nông dân không hiệu quả. Mặt khác, những năm gần đây nông dân trong huyện giảm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất vụ đông, chuyển sang các ngành nghề phụ khác để có thu nhập cao hơn nên việc triển khai các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện gặp khó khăn”.

 

Ngày 24.12.2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2486/QĐ-UBND về việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, sẽ hỗ trợ giống lúa chất lượng và tập huấn chuyển giao các biện pháp kỹ thuật thâm canh giống lúa mới, với tổng kinh phí là 43.500 triệu đồng, hỗ trợ giống một số loại cây vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao và tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, với tổng kinh phí là 50.250 triệu đồng, hỗ trợ thuốc diệt chuột, tập huấn kỹ thuật, thông tin, tuyên truyền về tổ chức diệt chuột vụ xuân, với tổng kinh phí hỗ trợ là 14.430 triệu đồng. Đây là điều kiện thuận lợi, là “đòn bẩy” giúp nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp thuận lợi và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu những nguồn lực, những “đòn bẩy” đó không được sử dụng một cách hiệu quả sẽ không chỉ gây lãng phí, ảnh hưởng tới quá trình phân bổ ngân sách của tỉnh, ảnh hưởng đến các chương trình hỗ trợ nông dân trong tỉnh nói chung mà còn khiến hàng nghìn nông dân trong tỉnh không tiếp cận được sự hỗ trợ thiết thực của tỉnh.

 

Trong vụ đông năm 2017 – 2018 và những vụ lúa mới trong năm 2018, tỉnh tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ cho nông dân sản xuất. Trong đó, ngày 16.8, liên ngành Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính đã có hướng dẫn số 136/HD-LN về kỹ thuật áp dụng và sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất cây vụ đông 2017 – 2018. Cây trồng được hỗ trợ là các giống ngô nếp (HN88, Bạch long), bí (bí đỏ Supreme, Nova79, Goldstar998; bí xanh Nova209) và nghệ. Tổng kinh phí được đề nghị hỗ trợ là hơn 10 tỷ đồng. 

 

Trao đổi về giải pháp để triển khai sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nói chung, nguồn hỗ trợ trồng cây vụ đông, trồng lúa nói riêng, ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Cơ chế hỗ trợ của tỉnh là nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân và bảo đảm an sinh xã hội, do đó đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự hưởng ứng của nông dân. Đặc biệt là UBND các huyện, thành phố, các phòng chuyên môn, chính quyền cơ sở phải nêu cao trách nhiệm trong triển khai và tổ chức thực hiện kế hoạch đã đề ra, bảo đảm việc đăng ký sản xuất theo chương trình hỗ trợ sát với thực tế ở từng xã, phường, thị trấn. Đồng thời mỗi huyện, thành phố cần có chính sách hỗ trợ riêng ở từng địa phương để khuyến khích nông dân, tăng cường tuyên truyền chính sách hỗ trợ của tỉnh đến toàn thể nhân dân để các hộ dân nắm bắt được và hưởng ứng khi có nhu cầu sản xuất”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Phạm Hạnh Dung (cập nhập)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068