Giữ gìn nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản Hưng Yên

Giữ gìn nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản Hưng Yên

Để nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, những năm qua, ngành chức năng, các địa phương cùng nông dân chung sức xây dựng, phát huy nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản của tỉnh. Một số nông sản của tỉnh có sức cạnh tranh tốt trên thị trường, ngày càng khẳng định uy tín với người tiêu dùng, qua đó tạo đà cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển.

 

Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay Hưng Yên có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm nông nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận nông sản (nhãn hiệu cộng đồng), gồm: Nhãn lồng Hưng Yên; mật ong, hoa nhãn Hưng Yên; chuối tiêu hồng Khoái Châu; quất cảnh Văn Giang; gà Đông Tảo Khoái Châu; vải lai chín sớm Phù Cừ; tương Bần. Việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận nông sản đã giúp người tiêu dùng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên, của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó, đồng thời tạo cơ sở pháp lý giúp các hộ trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh yên tâm hơn trong sản xuất, bảo tồn, nhân giống, đầu tư kinh doanh, tạo sự đồng nhất và nâng cao chất lượng sản phẩm. 

 

Nhãn lồng, một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh được trồng nhiều ở các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên. Trước đây, phần lớn người trồng nhãn chưa hiểu hết giá trị của việc xây dựng nhãn hiệu, trình độ thâm canh còn hạn chế, không đồng đều, diện tích cây nhãn cho quả ngon chiếm tỷ lệ thấp, nằm rải rác ở các hộ; việc quảng bá, giới thiệu ít được quan tâm... Trước thực trạng trên, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng "vườn bảo tồn gen giống nhãn lồng", nhân và cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn cho nông dân, tổ chức các cuộc vận động cải tạo vườn nhãn tạp, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, sản xuất giống, chăm sóc, điều tiết cho nhãn ra hoa đậu quả... Hơn 10 năm trước, Hội nhãn lồng tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể nhãn lồng Hưng Yên, từ đó nhãn lồng được quảng bá rộng rãi hơn. Ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ vườn nhãn ở phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Từ khi nhãn lồng được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, các thành viên trong Hội nhãn lồng của tỉnh đã tự giác tuân thủ những quy trình sản xuất, thường xuyên kiểm tra chéo lẫn nhau, bảo đảm các tiêu chí chất lượng của quả nhãn lồng. Nhãn lồng có thương hiệu, hàng năm cứ đến mùa nhãn, khách hàng trong và ngoài tỉnh đến tận vườn của các hội viên đặt mua với giá cao gấp 1,5 – 2 lần so với giá bán nhãn ở thị trường”.

 

Gà Đông Tảo (Khoái Châu) được công nhận nhãn hiệu tập thể

 

Huyện Khoái Châu có phong trào chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi nhanh, hiệu quả của tỉnh. Trên địa bàn huyện đã hình thành những vùng chuyên canh rộng lớn như chuối tiêu hồng ngoài bãi ven sông Hồng ở các xã Tứ Dân, Ðại Tập, Ðông Ninh...; nhãn chín muộn ở các xã Hàm Tử, An Vĩ, Bình Minh; cây có múi ở các xã Bình Minh, Dạ Trạch, Ðông Tảo... Đồng chí Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đặc biệt quan tâm tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản. Năm 2011, huyện đã phê duyệt "Chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu có sức cạnh tranh trên thị trường"; triển khai đề án "Giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao giai đoạn 2012 - 2015" của tỉnh... Quy hoạch xây dựng từng vùng sản xuất nông sản, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, đào tạo nghề cho nông dân gắn với vùng sản xuất, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Hàng năm, huyện đầu tư hàng trăm triệu đồng hỗ trợ các địa phương, nông dân quảng bá nông sản thông qua các hội chợ thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Mới đây, chuối tiêu hồng Khoái Châu và gà Ðông Tảo Khoái Châu đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, chứng nhận nhãn hiệu. Trong thời gian tới huyện sẽ đề nghị cơ quan chuyên ngành công nhận nhãn hiệu tập thể cho nghệ, bưởi Khoái Châu… 

 

Có được kết quả trên, tỉnh, các ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như: Hỗ trợ nông dân sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu nông sản, xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận một số đặc sản của địa phương; hỗ trợ kinh phí để giúp duy trì và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu đã được bảo hộ, in tem nhãn, bao bì, tham gia hội chợ triển lãm... nên sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao. Tuy nhiên, nông sản của tỉnh chủ yếu vẫn tiêu thụ nội địa, tỷ lệ xuất khẩu đạt thấp. Nguyên nhân do phần lớn nông dân chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ đến việc xây dựng, bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Mặt khác, do nhãn hiệu tập thể nông sản có đặc thù là sở hữu chung của một tập thể gồm những hộ nông dân cá thể, nhưng sự gắn kết, ràng buộc chưa chặt chẽ. 

 

Ðể nhãn hiệu, thương hiệu nông sản phát triển bền vững, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông sản; quảng bá vai trò, tác dụng của sở hữu trí tuệ với việc phát triển đặc sản của địa phương; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, nhãn mác, thương hiệu. Người sản xuất phải bảo vệ và phát triển thương hiệu của sản phẩm bằng cách nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng và báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng khi phát hiện hàng nhái với sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, khả năng nhận biết sản phẩm để luôn là người “thông thái” khi lựa chọn mua nông sản. Tỉnh tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, tổ chức đang sở hữu những nhãn hiệu tập thể của nông sản để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng các kênh tiêu thụ; tiếp tục khảo sát, đánh giá khả năng phát triển nhãn hiệu, hoặc chỉ dẫn địa lý của một số đặc sản để xây dựng dự án phát triển phù hợp... 

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Phạm Hạnh Dung (cập nhập)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068