Gỡ “nút thắt” cơ giới hóa nông nghiệp (Tiếp theo và hết) (*)

Gỡ “nút thắt” cơ giới hóa nông nghiệp (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp -

Mục tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra, đến năm 2020, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản sẽ được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ, công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt từ 3 đến 3,5 mã lực/ha. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đề ra phải giải quyết nhiều vấn đề mấu chốt tồn tại bấy lâu nay.

 

Máy chặt cây bắp được nhiều nông dân sử dụng tại Đồng Nai

 

Bỏ ngỏ thị trường

Từ thực tế đổi mới để hội nhập với thị trường thế giới, nhu cầu sử dụng máy móc phục vụ nông nghiệp của Việt Nam hiện đang rất lớn. Tuy nhiên, ngành cơ khí trong nước chỉ mới đáp ứng được 33% thị trường trong nước, còn lại 67% phải nhập khẩu. Lý giải về vấn đề này, Cục trưởng Chế biến nông, lâm, thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT) Lê Văn Bảnh cho rằng, các doanh nghiệp cơ khí nhà nước chậm đổi mới, trong khi các doanh nghiệp tư nhân năng lực còn hạn chế và thiếu liên kết. Hiện, cả nước có gần 100 cơ sở, đơn vị công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ lực là Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Thế nhưng, các công ty cơ khí nông nghiệp do Nhà nước quản lý như Tổng công ty VEAM, hơn 40 năm qua chưa đưa ra được nhiều sản phẩm phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, mà chủ yếu làm nhiệm vụ cơ khí phụ trợ cho ngành xe máy và ô-tô, còn thị trường máy động lực, máy nông nghiệp đang bỏ ngỏ.

Ông Lê Văn Bảnh cho biết thêm: “Mặc dù nhiều khâu có tỷ lệ cơ giới hóa cao (chủ yếu là cây lúa), nhưng trình độ trang bị còn rất lạc hậu, hầu hết các máy làm đất có công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún. Mức độ trang bị máy động lực trong nông nghiệp thua xa các nước trong khu vực, như Thái-lan đạt bốn mã lực/ha, Trung Quốc là tám mã lực/ha, Hàn Quốc 10 mã lực/ha canh tác... trong khi Việt Nam chỉ đạt bình quân 1,6 mã lực/ha canh tác”.

Ở một khía cạnh khác, trong khi nông dân chưa đủ tiềm lực để mua máy móc thì phần lớn người dân, đơn vị lại khó tiếp cận vốn vay mua máy móc hiện đại về sản xuất theo gói hỗ trợ của Chính phủ. Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau bảy năm thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, đến nay chỉ có gần 21 nghìn lượt khách hàng vay được vốn, với số tiền hơn 5 nghìn tỷ đồng. Con số này khá ít ỏi, nếu đem so với nhu cầu thực tế về vay vốn mua máy móc nông nghiệp của các hộ dân, doanh nghiệp hiện nay.

Chia sẻ những khó khăn này, ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty chăn nuôi Thanh Đức, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) nói: “Nông dân Việt Nam khao khát đầu tư để đủ lực bước vào sân chơi thế giới, tự tin về tay nghề, về tiếp cận được công nghệ hiện đại nhất, nhưng lại “thua” về chính sách cho nên mất rất nhiều cơ hội”. Ông Đức cho biết, hai năm qua ông loay hoay tiếp cận gói hỗ trợ mua máy móc nhưng vẫn không được. Doanh nghiệp đầu tư hệ thống máy móc tự động từ dây chuyền chăn nuôi, thu trứng cho đến xử lý chất thải thành phân hữu cơ... có rất nhiều chi tiết, bộ phận máy móc. Trong khi đó, danh mục máy móc được hỗ trợ theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp lại hạn hẹp. Ngoài ra, khi đánh giá tính khả thi dự án, công nghệ máy móc quá hiện đại lại là lý do khiến phía ngân hàng e ngại vì nếu doanh nghiệp thất bại thì khó thanh lý.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Huỳnh Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho rằng, hiện nay, Quyết định 68 vẫn còn tồn tại những bất cập như: Quy định danh mục máy móc được hỗ trợ còn hạn chế, thủ tục vay vốn rườm rà... Đó chính là những nguyên nhân khiến nhiều cá nhân, tổ chức khó đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, chăn nuôi.

Tháo gỡ những “nút thắt”

Để cơ giới hóa trở thành “bệ phóng”, ngành nông nghiệp cần có chiến lược đột phá từ khâu khuyến khích đầu tư vào các dự án chế tạo máy nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực... cho đến hỗ trợ các chính sách có hiệu quả cho ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp và nông dân.

Theo PGS, TS Nguyễn Huy Bích, Trưởng Khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Không một quốc gia nào mạnh trong sản xuất cơ khí nông nghiệp mà chỉ đẩy mạnh nhập khẩu. Vấn đề cấp bách đặt ra là phải tăng nội lực, chú trọng khâu đào tạo nhân lực bậc đại học và sau đại học”. Ông Bích cho hay, trước đây, cả nước có năm trường đại học đào tạo trình độ đại học, sau đại học ngành cơ khí nông nghiệp song hiện chỉ còn hai khoa đào tạo ngành cơ khí nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, nhưng chỉ đào tạo cầm chừng vì ít sinh viên theo học, không thu hút được sinh viên giỏi. “Muốn đẩy mạnh sản xuất ngành cơ khí chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp thì phải có những chính sách hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề cơ khí, vận hành máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp”, ông Bích nói.

Đồng quan điểm trên, TS Phan Hiếu Hiền, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp, Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng ta phải bắt đầu từ việc đào tạo lại, nghiên cứu lại nếu không sẽ vẫn tiếp tục lạc hậu như mấy chục năm qua. Cái sai trong đào tạo làm cho 97% số kỹ sư cơ khí nông nghiệp không làm đúng ngành nghề, vì nội dung các trường đào tạo không phục vụ thực tế trên đồng ruộng”. TS Phan Hiếu Hiền dẫn chứng, trong hơn 40 năm, các trường đại học cả nước đào tạo hơn tám nghìn kỹ sư cơ khí nông nghiệp, nhưng tổng số kỹ sư làm đúng ngành học chiếm không quá 3%, với số lượng không quá 200 người.

Từ thực tế này, nhiều nhà khoa học nhận định, nếu không đổi mới, làm chủ công nghệ mà cứ trông chờ vào sản phẩm nước ngoài thì việc cơ giới hóa càng gặp nhiều khó khăn, bởi nông nghiệp gắn chặt với nông thôn và nông dân, nơi mà việc tiếp cận khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Không chỉ cấp bách tháo gỡ về nguồn nhân lực, TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam nhận định: “Để đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp phải tiến hành dồn điền, đổi thửa, cần có những chính sách hỗ trợ thông thoáng cho nông dân vay vốn đầu tư máy móc. Quan trọng là phải hỗ trợ đào tạo nông dân để họ nắm được các kỹ thuật và sử dụng hết công năng máy”.

Thứ trưởng NN - PTNT Trần Văn Nam cho biết: “Bộ NN - PTNT đang chuẩn bị làm tờ trình, trình Chính phủ việc nâng Quyết định 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp lên thành Nghị định để phù hợp với tình hình mới hiện nay. Có hai đối tượng cần phải tăng cường đào tạo: Một là, lực lượng nghiên cứu, sáng chế ngành cơ khí nông nghiệp để bảo đảm nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất cơ khí, máy động lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ở mức cao hơn; Hai là, lực lượng ứng dụng, chuyển giao cơ khí nông nghiệp vào thực tiễn sản xuất. Đó là những vấn đề cần thiết trong tình hình hiện nay, nhất là trong giai đoạn tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Rõ ràng, muốn cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ ngành cơ khí nông nghiệp trong nước phải đi trước một bước, mà còn cần tháo gỡ nhiều “nút thắt” về cơ chế, về vốn, nguồn nhân lực, dồn điền, đổi thửa… Tuy đã có lộ trình, nhưng nếu không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn để tiến hành từng bước đi cụ thể giải quyết các bất cập đang tồn tại thì cơ giới hóa vẫn là một chặng đường dài.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Nguồn tin: nhandan.com.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068