Năm 2016 liệu có xô đổ kỷ lục nhiệt độ của năm 2015?

Năm 2016 liệu có xô đổ kỷ lục nhiệt độ của năm 2015?

Nhiệt độ trong nửa đầu năm 2016 nóng nhất trong hơn 1 thế kỷ qua và đây là cơ sở để các nhà khoa học dự báo rằng năm 2016 có thể xô đổ kỷ lục về nhiệt độ của năm 2015.

Năm 2015 "xô đổ" một loạt kỷ lục để thành năm có khí hậu tồi tệ nhất

Các chỉ số nhiệt độ trung bình toàn cầu, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và mực nước biển tăng đã đồng loạt xác lập những kỷ lục mới trong năm 2015, khiến năm ngoái trở thành năm có tình hình khí hậu tồi tệ nhất trong thời hiện đại.


Báo cáo "Tình hình Khí hậu" do Cơ quan Đại dương & Khí quyển (NOAA) của Mỹ đứng đầu được 450 nhà khoa học quốc tế biên soạn và công bố 1 năm/lần đã cho thấy một bức tranh đáng sợ về tình hình "sức khỏe" của Trái Đất.

Trước hết, về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, văn kiện dày 300 trang này cho biết nồng độ 3 thành tố chính là carbon dioxide (CO2), khí metan (CH4) và nitrous oxide (N2O) đều đã lập "đỉnh" mới trong năm 2015.

Kết quả đưa ra dựa trên 10.000 số liệu đo lường từ các cơ sở độc lập cho thấy nồng độ CO2 trong không khí tại Hawaii, Mỹ đã lên mức 400,8 phần triệu, lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 phần triệu.

Đây là mức tăng lớn nhất trong 1 năm trong vòng 58 năm thu thập dữ liệu. Nồng độ CO2 trung bình toàn cầu trong năm ngoái là 399,4 phần triệu, tăng 2,2 phần triệu so với năm trước đó. Theo nhà khí hậu học Jessica Blunden, số liệu trên cho thấy năm 2016 sẽ dễ dàng vượt qua mốc lịch sử này.

Báo cáo công bố ngày 2/8 này cũng xác nhận kết quả trước đó của NOAA và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) về nhiệt độ trung bình toàn cầu của bề mặt đất và bề mặt đại dương cao kỷ lục trong năm 2015 với dự báo năm 2016 sẽ tiếp tục “xô đổ” kỷ lục của năm trước.

Ngoài các kỷ lục về chỉ số khí hậu, năm 2015 còn đánh dấu một năm tình hình thời tiết cực đoan với một mùa mưa dài bất thường dẫn đến các đợt lũ nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên thế giới.

Trong khi đó, diện tích khu vực phải trải qua những đợt hạn hán nặng nề đã tăng gần gấp đôi, từ 8% trong năm 2014 đã tăng lên 14% trong năm ngoái. Nhiệt độ tại Bắc Cực đang ở mức cao nhất so với số liệu thu được từ đầu thế kỷ 20.

Trong khi đó, dưới tác động của El Nino, Nam Cực lại lạnh hơn mức trung bình, nhiệt độ của các tảng băng thay đổi từ mức cao kỷ lục vào tháng 5 xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 8.

Nhiệt độ trong nửa đầu năm 2016 nóng nhất trong hơn 1 thế kỷ qua

Theo giới khoa học Mỹ, 6 tháng đầu năm 2016 đã trở thành nửa đầu năm nóng nhất kể từ năm 1880 đến nay. Nhiệt độ Trái Đất nóng lên nhanh chóng đi kèm với các biến đổi môi trường đáng sợ đe dọa các vùng rừng Taiga rộng lớn của Nga và các căn cứ quân sự ven biển của Mỹ.

NOAA của Mỹ cho biết trong thời gian trên, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã tăng 0,2°C so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,05°C so với thế kỷ 20. Tháng 6/2016 trở thành tháng nóng nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Goddard thuộc NASA của Mỹ, ông Gavin Schmidt, cho biết nhiệt độ trung bình trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 1,3°C so với cuối thế kỷ 19, gần bằng mức nhiệt trong “phương án B” (giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp) được thông qua trong Hội nghị tthượng đỉnh của Liên Hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris hồi cuối năm ngoái.

Theo chuyên gia của NASA, khoảng 40% mức tăng nhiệt đầu năm nay là do hiện tượng El Nino - mang dòng hải lưu nóng từ Xích đạo lan ra khắp nơi, trong khi 60% còn lại là do các yếu tố khác, đặc biệt là việc Bắc Cực bị hâm nóng do khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hiện tượng Trái Đất nóng lên được quan sát thấy ở mọi nơi, trước hết là trên hầu hết các đại dương, nhưng mức tăng nhiệt độ đáng quan ngại nhất là tại Bắc Cực.

Theo NASA và NOAA, diện tích băng Bắc Cực trong tháng Sáu giảm mạnh nhất, giảm 1,3 triệu km2 so với mức trung bình từ năm 1981 đến 2010 và giảm 259.000km2 so với năm 2010 - năm băng tan nhiều nhất so với trước đó.

Mùa Đông năm nay, nhiệt độ nhiều nơi tại Bắc Cực đã vượt 0 độ C, cao hơn 20 độ C so với nhiệt độ trung bình các năm trước đó.

Hiện tượng Trái Đất nóng lên đã kéo theo nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là việc làm gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang tại các quốc gia đa sắc tộc.

Theo một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, từ năm 1980 đến 2010, thời điểm bùng phát 23% trong số các cuộc xung đột vũ trang tại 5 quốc gia đa sắc tộc (trong đó có Syria, Afghanistan và Somalia) trùng với thời điểm xảy ra các thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là tình trạng hạn hán.

 

Tác giả bài viết: Phạm Thị Ngọc Bích (cập nhập)

Nguồn tin: moitruong.com.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068