Thăm làng nghề lấp lánh ánh bạc, vàng ở Hưng Yên

Thăm làng nghề lấp lánh ánh bạc, vàng ở Hưng Yên

Giữa vùng đất lúa, ngô xanh tốt tứ bề, có một làng nghề chuyên chế tác đồ “xa xỉ” đã bền bỉ tồn tại nhiều thập kỷ, lặng lẽ làm đẹp cho đời bằng những sản phẩm tinh xảo, lấp lánh, rực rỡ. Nơi đó là làng nghề chạm bạc Huệ Lai ở xã Phù Ủng (Ân Thi), làng nghề vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

 

Nghề chạm bạc đem lại thu nhập cho nhiều người dân nơi đây. (Ảnh tư liệu)

 

 

Thăng trầm làng nghề

 

Giống như nhiều làng nghề truyền thống khác của Hưng Yên, làng nghề chạm bạc Huệ Lai cũng chịu nhiều lao đao, thăng trầm, có lúc tưởng như mai một.

 

Nghề chạm bạc từng bén rễ ở thôn Huệ Lai từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước. Khi đó, những người con của làng sau nhiều năm bôn ba, mở mang tầm mắt càng thêm thấm thía lời dặn của tiền nhân “của bề bề không bằng nghề trong tay”. Huống hồ với nghề nông, đất chật người đông, người làng vốn đã không thể chỉ trông vào cây lúa. Nghề chạm bạc được những người Huệ Lai sáng ý học hỏi rồi về truyền dạy “cầm tay chỉ việc” cho người làng. Dẫu vậy, vì khó tìm nơi tiêu thụ ổn định nên ít việc, thợ nản, nghề mai một dần.

 

Tiếc nghề từng đem lại hy vọng đổi đời cho làng, một số người tiếp tục đi tìm tòi học hỏi nghề chạm vàng, bạc, nuôi chí thoát nghèo.    

 

Ông Đỗ Xuân Chuyển là một trong những người quyết tâm học nghề, có công gây dựng làng nghề, chia sẻ: “Lúc đó, thu nhập của mỗi gia đình trong làng chủ yếu nhờ vào mấy sào ruộng khoán, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Một số thanh niên làng tôi đã bàn nhau sang Hải Dương học nghề chạm vàng, bạc. Thành nghề rồi sẽ trở về quê, mở xưởng làm ăn…”.

 

“Đường đi ngàn dặm, bắt đầu từ bước đầu tiên”, từ những thanh niên với suy nghĩ mạnh dạn, dám làm, dám thay đổi, cơ hội tìm được một hướng phát triển kinh tế mới đã hé mở cho cả ngôi làng nhỏ, nhờ một nghề thủ công đòi hỏi tính cần cù, tỉ mỉ, sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo.

 

Từ một vài xưởng chế tác nhỏ ban đầu, nghề chạm bạc ngày càng được nhân rộng ở Huệ Lai. Nghề này đã đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. Đến nay, Huệ Lai có trên 100 hộ làm nghề, chiếm 1/3 số hộ trong làng, riêng Hợp tác xã chạm bạc Huệ Lai thu hút sự tham gia của 45 hộ với hơn 100 thợ lành nghề, chưa tính nhiều lao động đến từ các địa phương lân cận. Mức thu nhập của người thợ đạt từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. 

 

Thôn Huệ Lai ngày càng nổi tiếng xa gần với nghề truyền thống sản xuất và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ làm từ vàng, bạc. 

 

Thương hiệu được bảo hộ

 

Tìm về Huệ Lai giữa không gian yên ả, làng nối làng trong màu xanh thanh bình, người ta dễ dàng nhận ra làng nghề nhờ nhịp điệu lách cách nhẹ nhõm vang trong không gian như tiếng đập trái tim làng chạm bạc. 

 

Hiện nay, sản phẩm của làng nghề chạm bạc Huệ Lai có mặt ở nhiều địa phương trong và ngoài nước. Các sản phẩm chế tác ở Huệ Lai đã có thể đáp ứng được nhu cầu làm đẹp, thưởng ngoạn đồ chạm vàng, bạc của những khách hàng khó tính. Đó chính là sự kết tinh của trí tuệ và đôi tay tài hoa khéo léo mà người thợ ở đây đã tạo nên vẻ đẹp cầu kỳ, tinh xảo… Ngoài chế tác theo đơn đặt hàng, những người thợ trong làng thường xuyên sáng tạo ra nhiều mẫu mã, sản phẩm chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng như: Dây chuyền, nhẫn, vòng tay, hoa tai, vòng cổ…  Hiện làng nghề có 10 doanh nghiệp và nhiều cơ sở sản xuất lớn. Những năm gần đây, nghề chạm bạc ở Huệ Lai hoạt động khá ổn định, năm 2015, tổng doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng, trong đó, Hợp tác xã Phù Ủng đạt khoảng 10 tỷ đồng.

 

Anh Phạm Văn Tong, chủ một cơ sở sản xuất tại làng nghề cho biết: Một trong những ưu thế của sản phẩm làng nghề Huệ Lai là sản phẩm làm thủ công, 100% nguyên chất nên thị trường tiêu thụ rộng. Tuy vậy, nghề chạm bạc mất nhiều chi phí, nguyên liệu, công thợ. Hơn nữa nếu chỉ sản xuất và bán hàng qua trung gian thì lờ lãi chẳng đáng là bao. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu đối với làng nghề có ý nghĩa quan trọng để nâng cao giá trị các sản phẩm được chế tác ở Huệ Lai. 

 

Tuy nhiên, việc chế tác vàng, bạc của làng nghề vẫn ở quy mô nhỏ, quy trình sản xuất chưa đồng bộ, sản phẩm chưa có nhãn hiệu riêng. Nhằm góp phần bảo vệ tài sản trí tuệ kết tinh vào sản phẩm, rộng mở lối ra cho sản phẩm trong thời kỳ hội nhập phát triển, tạo bước phát triển bền vững, phát huy lợi thế của làng nghề, ngày 23.3.2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Chạm bạc Huệ Lai” số 15923/QĐ-SHTT cho làng nghề chạm bạc Huệ Lai. Việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Chạm bạc Huệ Lai" là giải pháp nhằm tạo bước phát triển bền vững, phát huy lợi thế của làng nghề.

 

Càng ngày, thị hiếu của người tiêu dùng đối với hàng trang sức, đồ trang trí... từ vàng, bạc càng cao với nhiều xu hướng làm đẹp mới. Nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu đó chính là điều cốt yếu khiến làng nghề chạm bạc Huệ Lai phát triển bền vững. Do vậy, các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề đã tập trung đầu tư mạnh trang thiết bị, máy móc cho sản xuất. 

 

Theo ông Đỗ Xuân Chuyển, chủ nhiệm HTX trạm vàng bạc Phù Ủng: Nguồn vốn đầu tư mỗi xưởng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Đó là chưa kể, riêng giá để mua vàng làm nguyên liệu chế tác cũng cao. Với 350- 400 triệu đồng, các cơ sở mới mua được 10 cây vàng, chế tác chừng nửa tháng là hết. Mua ít thì làm ra sản phẩm ít, thợ ít việc, lợi nhuận cũng giảm. Vì vậy, cùng với việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu, những người làm nghề còn mong muốn được hỗ trợ vay vốn để phát triển nghề... 

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Phạm Hạnh Dung (cập nhập)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068