Trồng cam theo quy trình VietGAP – Hướng đi phù hợp, hiệu quả

Trồng cam theo quy trình VietGAP – Hướng đi phù hợp, hiệu quả

Xác định cam là một trong những cây trồng mũi nhọn để phát triển kinh tế của nông dân, những năm qua, người trồng cam ở xã Đồng Thanh (Kim Động) đã không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Xã Đồng Thanh hiện nay có gần 100ha trồng cam, gồm các giống cam Hưng Yên, cam đường canh, cam V2. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2017, huyện Kim Động đã quy hoạch vùng trồng cam theo quy trình VietGAP tại xã Đồng Thanh với gần 30 hộ tham gia, diện tích khoảng 13ha. Đến nay, diện tích trồng cam theo quy trình VietGAP của xã đạt 30ha. Các hộ tham gia được hướng dẫn quy trình sản xuất chặt chẽ, kiểm soát lượng phân bón, tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại, hình thành thói quen sản xuất nông sản sạch. Qua đó đã tạo ra sản phẩm chất lượng ngon vượt trội, mẫu mã đẹp và an toàn vệ sinh thực phẩm, được thị trường ưa chuộng. 

 

https://baohungyen.vn/file/4028eaa4679b32c401679c0c74382a7e/fb9e3a0370be993a0171811591bb4246/112022/cam_2_20221115114758.jpg


Được thành lập từ năm 2017, hiện nay, Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau củ, quả và dịch vụ thương mại Đồng Thanh, xã Đồng Thanh có 30 thành viên tham gia với tổng diện tích trồng cam 30ha. Từ khi thành lập HTX, các hộ được tổ chức thành nhóm theo các thôn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn vốn, dần dần xây dựng thương hiệu cam bảo đảm chất lượng theo hướng VietGAP, mở rộng phát triển sản xuất theo quy mô tập trung. Thị trường được mở rộng tới nhiều tỉnh, thành phố trong nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình... Ngoài ra, để mở rộng thương hiệu, HTX tích cực tham gia các hội chợ nông sản giới thiệu sản phẩm cam Đồng Thanh. Theo đánh giá của các hộ tham gia sản xuất cam theo quy trình VietGAP trên địa bàn xã, năng suất tăng 10 – 15% so với phương pháp sản xuất truyền thống, sản phẩm bảo đảm về chất lượng, mẫu mã nên tiêu thụ rất thuận lợi, giá trị kinh tế cao hơn so với các hộ không tham gia mô hình.

Ông Nguyễn Quang Dũng ở thôn Công Luận, xã Đồng Thanh cho biết: Năm 2018, gia đình tôi tham gia mô hình thâm canh cam theo quy trình VietGAP. Theo đó, trong quá trình chăm sóc cây, gia đình tôi áp dụng các biện pháp khoa học – kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng gây hại, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học để chăm bón, phòng trừ sâu, bệnh cho cây. Sản phẩm xuất bán ra thị trường bảo đảm an toàn cho khách hàng sử dụng. Năm nay, gia đình tôi dự kiến thu hoạch khoảng 10 tấn cam các loại, giá bán cam Hưng Yên đầu vụ 25.000 đồng/kg.

Phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) hiện có diện tích trên 40ha trồng cam, trong đó diện tích cam sản xuất theo quy trình VietGAP là 15ha. Thời điểm này, người dân đang tiến hành cắt tỉa các chùm quả dày, sử dụng các biện pháp sinh học để hạn chế sự phá hoại của sinh vật gây hại như: Ong, ruồi vàng... sẵn sàng vào vụ thu hoạch cam. Ông Phạm Văn Vinh, khu phố Kim Đằng cho biết: Gia đình tôi có trên 2 mẫu trồng cam được chứng nhận VietGAP. Trong quá trình chăm sóc, gia đình tôi chú ý đến các thời kỳ sinh trưởng quan trọng trên cây như thời kỳ ra hoa, đậu quả, sau thu hoạch để có biện pháp bổ sung các chất dinh dưỡng phù hợp, tạo cho cây luôn khỏe mạnh. Năm nay, sản lượng cam của gia đình tôi đạt khoảng 10 tấn quả. Với chất lượng thơm ngon nên hiện nay, cam của gia đình tôi được thương lái đến tận vườn đặt mua với giá 30.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.970ha diện tích trồng cam, tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Giang, Kim Động, Khoái Châu, Phù Cừ, Yên Mỹ và thành phố Hưng Yên. Trong đó, diện tích trồng theo quy trình VietGAP trên 500ha. Năm nay, sản lượng cam toàn tỉnh đạt trên 35,95 nghìn tấn.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện sản xuất cam theo quy trình VietGAP đã mang lại hiệu quả tích cực, đó là: Chất lượng ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất ổn định, luôn bán được giá cao, tiêu thụ thuận lợi trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi đúng và hiệu quả, nâng cao được uy tín, chất lượng và thương hiệu cam Hưng Yên. 

Với những kết quả đó, mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP đang là hướng đi phù hợp, cần tiếp tục được nhân rộng và phát huy. Đây chính là những yếu tố hàng đầu quyết định đến tính hiệu quả phát triển bền vững của cây cam trên đất Hưng Yên.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Lương Thị Thu Phương (cập nhật)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068